Translate

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

TIỀN LƯƠNG: CÓ NÊN TRẢ SỚM HƠN THỎA THUẬN?

CHRO gọi nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc lên nói chuyện.


- CHRO: Chị muốn biết lý do thực sự em muốn nghỉ việc?

- Nhân viên: Vì công ty trả lương cho em không đúng thời hạn. Theo quy định tại Điểm a, khoản 2, Điều 37 Bộ luật lao động 2012, em chỉ phải báo trước 03 ngày là có thể nghỉ việc.

-CHRO: Chị đã đọc trong đơn của em và đã kiểm tra lại việc chi trả lương trong cả năm vừa rồi, chưa có tháng nào công ty trả chậm lương em.

- Nhân viên: Công ty không trả chậm lương em tháng nào cả.

- CHRO: Vậy tại sao em lại ghi trong đơn là công ty trả lương không đúng thời hạn?

- Nhân viên: Tiền lương tháng 12 năm 2017 vừa rồi, công ty trả em vào ngày 31/12. Trong khi thỏa thuận trong hợp đồng lao động với em là công ty sẽ trả lương vào ngày 01  hàng tháng, trong trường hợp ngày 01 hàng tháng trùng với ngày nghỉ thì thời hạn trả lương sẽ được trả vào ngày làm việc sau ngày 01 hàng tháng. Như vậy là công ty đã trả lương cho em không đúng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng.

- CHRO: Ợ ợ... tháng 12 chị đã yêu cầu bộ phận tính lương và các bộ phận liên quan làm ngày đêm để kịp chi trả tiền lương trước ngày 01/01 để người lao động có tiền về nghỉ tết Dương lịch, chị nghĩ đấy là sự nỗ lực của bộ phận tính lương và công ty mà em nên ghi nhận chứ?

- Nhân viên: Có thể với người khác là tốt nhưng với em thì không tốt chút nào.

- CHRO: Vì sao lại thế?

- Nhân viên: Việc trả lương sớm cho em trong tháng 12 khiến em bị thiệt hại rất nhiều.

- CHRO: Chị không hiểu?

- Nhân viên: Có 2 thiệt hại như này:

Thứ nhất, em phải nộp khoản thuế thu nhập cá nhân tương đối lớn. Tổng thu nhập của em tính đến 31/12/2017 là 540 triệu, em có 10 người phụ thuộc nên với mức thu nhập này em sẽ không bị nộp thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên, công ty trả lương em vào ngày 31/12/2017 nên em bị tính thuế thu nhập của phần lương tháng 12 trong khi nếu chi trả vào tháng 01/2018 em sẽ không phải nộp thuế thu nhập.

Thứ hai, em phải cắt nửa vầng trăng số tiền lương tháng 12/2017 với thằng chồng cũ của em. Em và chồng em đã ly hôn, theo thỏa thuận của 2 bên và theo phán quyết của Tòa án, những tài sản phát sinh trước ngày 01/01/2018 của bất kỳ ai thì sẽ được chia đôi cho cả 2 người. Như vậy, tiền lương tháng 12 nếu chị trả em vào ngày 01/01/2018 thì em sẽ không bị chia đôi khoản tiền này.

- CHRO: À à.... ra là thế. Chúc em ra đi thanh thản!

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CÁC QUYẾT ĐỊNH TRONG CÔNG TÁC NHÂN SỰ

Là người lao động thì hẳn sẽ không xa lạ gì với các loại quyết định liên quan đến nhân sự của Doanh nghiệp như: Quyết định tiếp nhận lao động, quyết định bổ nhiệm, quyết định luân chuyển lao động... về bản chất pháp lý, không phải lúc nào Quyết định cũng có giá trị pháp lý và người lao động phải thực hiện theo quyết định. Những phân tích dưới đây sẽ góp phần làm rõ ý nghĩa pháp lý của các loại Quyết định trong công tác nhân sự.

1. Quan hệ lao động được xác lập thông qua đàm phán, thương lượng

Bộ luật lao động năm 2012 quy định rất rõ về quan hệ lao động. Khoản 6, Điều 3, Bộ luật lao động năm 2012 "Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động".

Cơ sở để xác lập quan hệ lao động là sự thỏa thuận, thương lượng, đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động hoặc giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động về các quyền, lợi ích, nghĩa vụ trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương.

Nguyên tắc để thỏa thuận, thương lượng trong quan hệ lao động là phải tự nguyện, bình đẳng, hợp tác và tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

Những nội dung này được quy định rõ trong Khoản 1, Điều 7, Bộ luật lao động năm 2012 "Quan hệ lao động giữa người lao động hoặc tập thể lao động với người sử dụng lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau".

Kết quả của quá trình thương lượng, đàm phán giữa người sử dụng lao động và người lao động được thể hiện qua Hợp đồng lao động, giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động là thỏa ước lao động tập thể. Hợp đồng lao động hay thỏa ước tập thể là cơ sở quan trọng và có giá trị nhất để hai bên (Người sử dụng lao động và người lao động) thực thi những điều đã thỏa thuận với nhau và là căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp lao động. Khi đã ký kết hợp đồng lao động hay thỏa ước lao động tập thể thì cả hai bên đều có nghĩa vụ thực hiện đúng những điều đã cam kết, trong trường hợp muốn thay đổi thì phải được sự thống nhất giữa hai bên theo quy định của pháp luật lao động.

Như vậy, theo những quy định hiện tại của Bộ luật lao động thì cả người sử dụng lao động hay người lao động đều không được phép đơn phương áp đặt các điều kiện lao động hay nói cách khác là nếu một bên đơn phương ra quyết định thì bên còn lại không có nghĩa vụ phải thực hiện theo, và trong trường hợp này quan hệ lao động sẽ không được xác lập.

2. Người lao động không có nghĩa vụ phải thực hiện theo quyết định đơn phương của người sử dụng lao động

Như đã phân tích ở trên, quan hệ lao động được xác lập thông qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận, không bên nào được quyền áp đặt cho bên còn lại.

Giả sử, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau bằng một hợp đồng lao động với vị trí là Nhân viên kế toán công nợ với những công việc đã được quy định trong hợp đồng lao động thì người lao động có trách nhiệm phải thực hiện công việc đó và người sử dụng lao động phải bố trí người lao động làm công việc đó. Nếu một trong hai bên muốn thay đổi công việc thì phải thỏa thuận với bên còn lại để thống nhất, ký kết hợp đồng lao động mới hoặc ký phụ lục hợp đồng lao động.

Có rất nhiều công ty khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động vị trí công việc A nhưng sau một thời gian muốn thay đổi công việc nên ra quyết định điều chuyển người lao động sang công việc khác so với hợp đồng lao động mà không có sự thỏa thuận với người lao động. Điều này là hoàn toàn không đúng so với quy định của pháp luật lao động. Nếu muốn thay đổi công việc của người lao động thì trước khi ra quyết định cần phải thỏa thuận với người lao động và ký kết hợp đồng lao động mới hoặc phụ lục hợp đồng lao động.

Cũng có trường hợp, công ty thấy người lao động có năng lực nên ra quyết định bổ nhiệm người lao động vào vị trí cao hơn (xét về chức vụ và thu nhập thì người lao động có lợi hơn) nhưng không có sự thỏa thuận với người lao động. Hành động này cũng hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật lao động mặc dù có thể người lao động được hưởng lợi từ quyết định này.

Có người sẽ thắc mắc là tại sao bổ nhiệm người lao động thì người ta có vị trí tốt hơn, mức thu nhập tốt hơn mà pháp luật lai không cho phép? Làm vị trí cao và có mức thu nhập tốt là điều mà nhiều người lao động mong muốn, tuy nhiên, không phải ai cũng đều có nhu cầu đó, có người mong muốn vị trí cao, có người mong muốn mức thu nhập cao nhưng lại có người chỉ cần một công việc nhẹ nhàng, ít áp lực với mức thu nhập vừa phải, nếu bổ nhiệm người đó lên vị trí cao hơn người ta không thích. 

Tiêu cực hơn, có trường hợp doanh nghiệp lạm dụng việc bổ nhiệm để ép người lao động nghỉ việc. Giả sử, người lao động A đang làm việc tại vị trí Nhân viên kế toán, công ty ra quyết định bổ nhiệm lên vị trí Trưởng phòng kỹ thuật hoặc Kế toán trưởng trong khi người lao động đó không có chuyên môn và kinh nghiệm về kỹ thuật hoặc chưa đủ kiến thức, kỹ năng để đảm nhận vị trí Kế toán trưởng, như vậy, người lao động sẽ không thể thực hiện tốt công việc mới, dẫn đến không hoàn thành công việc và bị chấm dứt hợp đồng lao động. Chính vì vậy, pháp luật lao động phải quy định rõ quan hệ lao động phải được xác lập thông qua thương lượng, đàm phán.

Trong một số trường hợp nhất định, người sử dụng lao động được quyền điều chuyển người lao động sang làm công việc khác nhưng phải tuân thủ theo điều 31 của Bộ luật lao động năm 2012.

Như vậy, người lao động có quyền từ chối quyết định của người sử dụng lao động nếu thấy quyết định đó không đem lại lợi ích hoặc không thể hiện nguyện vọng của họ.

3. Quyết định từ một phía là sản phẩm của cơ chế xin - cho, không phù hợp trong cơ chế thị trường

Trước đây khi thị trường lao động chưa phát triển, người lao động hoàn toàn yếu thế (không có hoặc rất ít được đàm phán về công việc) nên người sử dụng lao động có toàn quyền sử dụng, điều chuyển, bố trí công việc cho người lao động, đôi khi không cần tham khảo ý kiến người lao động nhưng họ vẫn phải chấp nhận bởi nếu không chấp nhận sẽ bị cho nghỉ việc. Người sử dụng lao động muốn ra các quyết định để thể hiện quyền lực của mình. Điều này đã dẫn đến cơ chế xin - cho trong tuyển chọn lao động.

Ngày nay, khi thị trường lao động đã phát triển, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện thì cơ chế xin - cho này đang bị triệt tiêu dần và nó chỉ còn tồn tại trong các cơ quan nhà nước.

Một ví dụ tiêu biểu của cơ chế này đó là trước đây người lao động đi tìm việc thì thường phải yêu cầu có "Đơn xin việc" thì nay đa số các doanh nghiệp đã thay đổi hình thức thành dạng CV hoặc "Đơn ứng tuyển".

Như vậy, khi thị trường lao động phát triển, trình độ của người lao động được nâng cao, mức độ đoàn kết của tập thể người lao động cao thì những quyết định đơn phương như Quyết định bổ nhiệm, quyết định luân chuyển lao động, quyết định tiếp nhận lao động... sẽ được thay thế bằng hợp động lao động, thỏa ước lao động tập thể.

4. Làm sao để ra quyết định nhưng vẫn thể hiện đúng bản chất của quan hệ lao động?
Quan hệ lao động được thể hiện bằng hợp đồng lao động, trong hợp đồng lao động có rất nhiều điểu khoản cá nhân liên quan đến tiền lương, chế độ phúc lợi... nên nhiều doanh nghiệp không muốn công khai nhưng vẫn muốn các thành viên khác trong công ty biết và quan trọng là vẫn thể hiện được "quyền lực" của người sử dụng lao động bằng cách ra quyết định và sau đó tổ chức trao quyết định.

Để việc ra quyết định không trái pháp luật thì trước khi ra quyết định nào đó liên quan đến người lao động thì cần thỏa thuận trước với người lao động và ký kết với người lao động hợp đồng lao động mới hoặc phụ lục hợp đồng lao động sau đó, trong quyết định ghi rõ là căn cứ theo hợp đồng lao động để bổ nhiệm. Như vậy sẽ đảm bảo được cả 2 yếu tố trên.

Trong một số trường hợp, doanh nghiệp xây dựng quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động thì có thể thực hiện theo các quy chế này nhưng phải ghi trong hợp đồng lao động về sự tồn tại của quy chế quy định đó và phải cung cấp cho người lao động các quy chế, quy định để người lao động hiểu trước khi ký kết hợp đồng lao động.

Như vậy, có thkết luận rằng, quan hệ lao động được hình thành thông qua thương lượng, thỏa thuận và phi xuất phát từ hai bên (Người sử dụng lao động và người lao động), không một bên nào có quyền đơn phương áp đặt cho bên còn lại. Mọi hành vi đơn phương áp đặt đều không có giá trị pháp lý (ngoại trmột số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật).

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

TRẢ LƯƠNG CHO NGƯỜI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC LÀM CÔNG NHÂN THẾ NÀO?

Theo số liệu của bản tin thị trường lao động quý II năm 2016, số lượng người có trình độ Đại học thất nghiệp khoảng 191 nghìn 300 người, trong số những cử nhân thất nghiệp này có một số ít chấp nhận làm những công việc đòi hỏi thấp hơn trình độ của mình, điển hình như việc nhiều người chủ động ứng tuyển vào vị trí công nhân tại các khu công nghiệp. Những người này nếu đi làm công nhân thì sẽ được trả lương ra sao?

Trước hết, cần khẳng định rằng việc trả lương phải căn cứ vào nhiều yếu tố, tiền lương tối thiểu chỉ là một trong căn cứ. Để người lao động yên tâm làm việc thì doanh nghiệp phải trả mức lương hợp lý, đảm bảo tính công bằng nội bộ và công bằng so với thị trường lao động. Đối với trường hợp này, mình nêu quan điểm dựa trên vấn đề đúng sai khi trả lương tối thiểu.

Việc trả tiền lương cho người tốt nghiệp Đại học đi làm công nhân hiện tại có 2 Nghị định quy định đó là Nghị định 49/2013/NĐ-CP và Nghị định 122/2015/NĐ-CP. Hai Nghị định này đang mâu thuẫn với nhau. Cụ thể như sau:


1. Doanh nghiệp được phép trả lương như đối với lao động phổ thông chưa qua học nghề, đào tạo nghề

Theo điểm b, khoản 3, Điều 7, Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương: "Tiền lương thấp nhất của CÔNG VIỆC HOẶC CHỨC DANH đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo, học nghề (kể cả do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định".

Quy định này hướng doanh nghiệp trả lương theo vị trí công việc chứ không quy định trả lương theo bằng cấp của người lao động. Nghĩa là theo quy định này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể trả lương dựa theo yêu cầu của vị trí công việc. Giả sử doanh nghiệp quy định vị trí công nhân chỉ yêu cầu lao động phổ thông, không cần phải qua đào tạo nghề và điều kiện làm việc không nặng nhọc, độc hại thì doanh nghiệp có thể trả tiền lương của vị trí công nhân bằng với mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Ngược lại, nếu doanh nghiệp yêu cầu vị trí công nhân phải qua đào tạo, học nghề thì khi trả lương phải ít nhất cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng. 

Như vậy, nếu áp dụng Nghị định này, doanh nghiệp có thể trả lương cho người tốt nghiệp Đại học đi làm công nhân bằng mức lương tối thiểu vùng đối với lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề với điều kiện là phải có văn bản quy định yêu cầu đối với vị trí công nhân không yêu cầu phải học nghề hoặc đào tạo.

2. Doanh nghiệp phải trả lương ít nhất cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng

Điểm b, khoản 1, Điều 5, Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2015 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng thì tiền lương trả cho người lao động đã học nghề: "Cao hơn ít nhất 7% so với mức tiền lương tối thiểu vùng đối với NGƯỜI LAO ĐỘNG đã qua học nghề theo quy định tại khoản 2, Điều này".

Người lao động đã qua học nghề bao gồm các trường hợp sau (Khoản 2, Điều 5, Nghị định 122/2015/NĐ-CP):

a) Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;

b) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;

c) Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề; 

d) Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm; 

đ) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp; 

e) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học; 

g) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài; 

h) Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.

Nếu áp dụng quy định này, người lao động đã qua học nghề thì mặc định được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng mà không quan tâm đến vị trí công việc doanh nghiệp yêu cầu như thế nào. Đối chiếu với quy định này thì người lao động đã tốt nghiệp Đại học mà làm công nhân thì tiền lương doanh nghiệp phải trả ít nhất cao hơn mức lương tối thiểu vùng là 7%.

Như vậy, việc doanh nghiệp áp dụng 1 trong 2 Nghị định trên đều không sai. Khi cơ quan Nhà nước kiểm tra thì phải trích dẫn được cơ sở pháp lý thì sẽ không lo bị xử lý.

Nếu doanh nghiệp vẫn muốn trả mức lương của người tốt nghiệp Đại học bằng mức lương của lao động phổ thông thì nên thể hiện trên văn bản chính thức (Hợp đồng lao động hoặc các văn bản tương đương) rằng người lao động đó là lao động phổ thông.

Ngoài ra, khi trả lương doanh nghiệp cần phải quan tâm đến các quy định khác về điều kiện làm việc. Các quy định này đã quy định rõ trong nghị định 49/2013/NĐ-CP.