Ở các công ty khi có một cuộc họp người ta thường kính thưa ông Tổng giám đốc, Giám đốc...rồi kính thưa các nhân viên. Cái này thì đúng chẳng có ai cãi gì vì đương nhiên ở một công ty ông Tổng Giám đốc là to rồi. Nhưng trường hợp dưới đây thì mình hơi thắc mắc chút.
Mình về quê, đi xem các buổi giao lưu văn nghệ, những người tham dự bao gồm: Nhân dân, ông Chủ tịch xã, ông bí thư chi bộ, ông Trưởng thôn...khi phát biểu người ta kính thưa thế này:
Kính thưa ông A - Chủ tịch UBND xã
Kính thưa ông B - Bí thư chi bộ
Kính thưa ông C - Trưởng thôn
và vài cái kính thưa nữa rồi chốt lại là: Kính thưa toàn thể nhân dân.
Phát biểu như vậy có theo quy tắc là người to kính thưa trước, người nhỏ kính thưa sau không nhỉ? Liệu có sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tế không nhỉ?
Hầu hết các cán bộ đều hiểu rất rõ câu trong di chúc của Bác là cán bộ, Đảng viên "là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" và đều thừa nhận nó. Như vậy, so với nhân dân thì cán bộ phải nhỏ hơn nhân dân chứ, đầy tớ thì làm sao to hơn ông chủ được. Suy rộng ra một chút, nếu người nào càng là đầy tớ của nhiều người thì càng nhỏ chứ, nghĩa là ông trưởng thôn là đầy tớ của 1 thôn thì ông phải to hơn ông chủ tịch xã là đầy tớ của 1 xã chứ.
Như vậy rõ ràng nhân dân thì phải to hơn mấy ông Chủ tịch xã, trưởng thôn chứ...Nếu theo cái quy tắc kính thưa thì phải kính thưa Nhân dân trước rồi mới kính thưa mấy ông kia chứ!
Liệu có sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tế không hay là ở đây người ta kính thưa ngược lại (tức là kính thưa từ ông nhỏ đến ông to) nhỉ?
(Bài viết của tác giả đăng trên báo Vietnamnet http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/124398/ai-to-hon-ai-.html)