Translate

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LƯƠNG SẢN PHẨM VÀ LƯƠNG THỜI GIAN

"Trước đây CN làm theo sản phẩm có mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Sau đó, Cty chuyển sang làm lương tháng theo thời gian" nên thu nhập giảm từ 1-2 triệu/tháng.

Tại sao lại có sự khác biệt về trả lương sản phẩm và trả lương thời gian?

Có thể giải thích sự khác biệt này như sau:

Xuất phát từ công thức tính đơn giá tiền lương sản phẩm: 

ĐGTL = Thời gian hoàn thành sản phẩm * mức lương tính đơn giá. (mức lương tính đơn giá có thể là theo tháng, theo giờ, theo ngày...; Thời gian hoàn thành sản phẩm có thể tính theo giờ, phút... tuỳ theo doanh nghiệp lựa chọn).

Trước đây khi xây dựng đơn giá tiền lương doanh nghiệp sử dụng mức lương tính đơn giá thấp, không phản ánh đúng định mức lao động. Bản chất của mức lương tính đơn giá là: Nếu anh/tổ sản xuất làm được số lượng sản phẩm X thì anh/tổ sản xuất sẽ tương ứng nhận được mức lương Y. Ví dụ, theo định mức trong một ca sản xuất cần 8 lao động sẽ làm được 64 đơn vị sản phẩm, mức lương tính đơn giá là 90 nghìn đồng/ngày thì khi 8 người đó làm được 64 sản phẩm thì họ sẽ nhận được 90 nghìn đồng/người/ngày.

Do doanh nghiệp sử dụng mức lương thấp nên sẽ đẩy thời gian hoàn thành sản phẩm lên (tức là giảm năng suất lao động) nên đơn giá tiền lương vẫn tăng nhưng mức lương tính đơn giá không thay đổi. Khi chuyển sang trả lương thời gian, doanh nghiệp lấy luôn mức lương này để trả cho người lao động nên tiền lương thời gian sẽ thấp hơn tiền lương sản phẩm tương ứng với mức chênh lệch giữa tiền lương sản phẩm NLĐ thực nhận so với mức tiền lương làm căn cứ tính đơn giá.

Việc doanh nghiệp sử dụng mức lương tính đơn giá thấp hơn mức lương người lao động thực nhận sẽ dẫn đến việc định mức lao động không khoa học, không phản ánh hết được ý nghĩa của định mức lao động hay nói cách khác, định mức lao động đang chạy theo tiền lương.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 8, NĐ số 49/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 thì khi định mức lao động bị hụt quá 5% hoặc vượt mức quá 10% thì doanh nghiệp phải rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp. Ở đây, lương sản phẩm cao hơn lương thời gian từ 1-2 triệu/tháng có thể là NLĐ đã vượt mức lao động quá nhiều (vượt khoảng trên 30%) nhưng doanh nghiệp không điều chỉnh nên tiền lương trả theo sản phẩm sẽ cao. Chính vì vậy, khi chuyển sang trả lương thời gian sẽ có sự chênh lệch khá lớn so với lương sản phẩm.

Như vậy, để việc xây dựng đơn giá tiền lương được chính xác thì doanh nghiệp cần điều chỉnh mức lương tính đơn giá chứ không điều chỉnh năng suất lao động. Khi thực hiện được điều này thì việc trả lương theo sản phẩm và trả lương theo thời gian sẽ không chênh nhau quá nhiều.