Translate

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT?


Đọc Luật Lao động mình vẫn không hiểu được như thế nào thì việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của người lao động (NLĐ) là “Chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”. Theo như trong Bộ Luật lao động năm 2012 thì các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ là những trường hợp không nằm trong quy định tại Khoản 1, Điều 37, Bộ Luật Lao động. Nhưng vấn đề là: NLĐ nghỉ bao nhiêu ngày thì bị coi là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật? 

Giả sử NLĐ không muốn làm việc tại doanh nghiệp nữa, họ sẵn sàng rời bỏ bằng bất kỳ lý do mà không muốn chịu bất kỳ một khoản bồi thường nào nên họ tự ý nghỉ việc dài ngày và trường hợp nghỉ việc này không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 37 thì có được coi là chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật không? (Cũng giả sử rằng NSDLĐ trong trường hợp này có “thời gian rảnh” để đòi NLĐ phải bồi thường hợp đồng).

Nếu NLĐ gửi văn bản cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) xác nhận việc chấm dứt HĐLĐ thì đây chính xác là đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng người lao động cứ nghỉ và không nói gì, không có văn bản gì thì làm sao đủ cơ sở để cho rằng NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ trái luật? Họ khẳng định vẫn làm cho doanh nghiệp nhưng chưa muốn đi làm, nếu doanh nghiệp cho họ nghỉ việc thì cứ theo Điều 126 của Bộ Luật lao động để Sa thải, như vậy NLĐ và NSDLĐ chẳng ai phải đền bù ai cái gì. Rõ ràng trong trường hợp này NSDLĐ bì ép phải tiến hành các thủ tục để Sa thải NLĐ đó nhưng việc sa thải NLĐ lại diễn ra theo một quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian.

Trong trường hợp này NSDLĐ vẫn phải thanh toán đầy đủ tiền lương những ngày mà NLĐ làm việc vì nếu không thanh toán hoặc thanh toán chậm so với thời gian ghi trong HĐLĐ thì NLĐ chỉ cần báo trước 3 ngày cho NSDLĐ sau đó chấm dứt HĐLĐ và trong trường hợp này thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ là đúng pháp luật (Theo Khoản 2, Điều 37, Bộ Luật Lao động 2012).

Chính việc không xác định được thời gian được coi là chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên NSDLĐ gặp phải các trường hợp này chẳng thể đòi được bồi thường ½ tháng lương hay yêu cầu NLĐ đền bù những ngày nghỉ không báo trước của NLĐ (theo Điều 43 Bộ Luật Lao động năm 2012). Và giả sử nếu NSDLĐ muốn được bồi thường những ngày không báo trước thì cũng chẳng có căn cứ nào để lấy làm mốc xác định những ngày không báo trước.

Không biết đã có văn bản nào hướng dẫn cụ thể Điều này chưa, nếu chưa có thì Luật cần phải quy định rõ hơn thời gian nghỉ như thế nào thì được coi là chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật để NSDLĐ có căn cứ xử lý các tình huống NLĐ tự ý nghỉ việc.