Đọc bài báo này mà thấy buồn cho 1 quy định
Họ phản đối như thế này cũng đúng thôi.
Mình có đi thực tế tại Khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam), thấy thế này:
Thứ nhất, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển lao động trẻ (dưới 30 - 40 tuổi) vào làm việc, chỉ một số ít doanh nghiệp do không cạnh tranh được lao động hoặc dùng theo dạng vắt chanh bỏ vỏ nên chấp nhận tuyển những đối tượng nhiều tuổi.
Thứ hai, việc cho công nhân nghỉ việc ở đây là chuyện hết sức bình thường, người lao động có một hành động nào đó không vừa lòng người quản lý là có thể cho nghỉ việc. Tuy nhiên, việc xử lý như này vẫn hoàn toàn hợp luật do bộ phận nhân sự lợi dụng sự thiếu hiểu biết Luật lao động của công nhân tại đây để nói với họ rằng tự làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động để được hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, việc chấp hành Luật Bảo hiểm xã hội chưa cao, doanh nghiệp tìm mọi cách để trốn đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Với những thực tế trên, có thể xảy ra trường hợp thế này, một công nhân nữ 40 tuổi làm việc tại một công ty được 7 năm, và đang đóng bảo hiểm ở mức 2.4tr/tháng, đến một ngày xấu trời nào đó, công nhân này bị cho nghỉ việc. Do đã trên 40 tuổi nên việc tìm một công việc là rất khó và đành chấp nhận về quê làm ruộng nên họ không được tham gia bảo hiểm xã hội nữa.
Nếu theo quy định hiện hành (Luật BHXH năm 2006) thì sau 12 tháng kể từ ngày không đóng BHXH người công nhân này sẽ được nhận BHXH 1 lần với số tiền là 7*1.5*2.4= 25.2 triệu, số tiền này đủ để họ mua được vài con lợn hoặc 2 con bò để nuôi, cũng coi như là vốn để làm ăn.
Giờ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới, công nhân này phải đợi đến năm 55 tuổi, nghĩa là sau 15 năm nữa mội được lĩnh bảo hiểm xã hội 1 lần (theo luật BHXH năm 2014). Sau 15 năm nữa, CPI thì liên tục tăng, thử hỏi lúc đấy người ta số tiền thực tế mà người lao động nhận được sẽ là bao nhiêu? Trong khi đó nếu sử dụng số tiền 25 triệu kia để làm ăn thì người ta có thể tạo ra gấp vài lần số tiền ban đầu. Người ta cũng không quên những câu chuyện báo mới đăng gần đây về việc gửi tiết kiệm số tiền tương đương 2 chỉ vàng sau 30 năm nhận lại được hơn 4 nghìn đồng đâu.
Biết rằng Nhà nước quy định như thế là để đảm bảo việc hưởng lương hưu cho người lao động nhưng phải nghiên cứu thêm một chút.
Thứ nhất, Bảo hiểm xã hội về cơ bản thì nó cũng là một dạng tiết kiệm của người lao động, người ta đóng vào thì cũng có quyền rút ra chứ không thể có chuyện đóng vào rồi, rút ra thì khó được.
Thứ hai, Nếu muốn đảm bảo việc người lao động được hưởng lương hưu thì phải giải quyết triệt để việc trên 50% doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội đi đã, xây dựng đội thanh tra để bảo đảm thực thi pháp luật chứ không phải xây dựng đội thanh tra đến doanh nghiệp thanh tra rồi nhận phong bì rồi về.
Thứ ba, phải giải giải quyết tình trạng phân biệt đối xử trong tuyển chọn lao động của người sử dụng lao động để người lao động dễ dàng tìm kiếm được việc làm.
Thứ tư, nếu vẫn quy định như Luật BHXH 2014 thì phải có sự bảo đảm về số tiền mà người lao động đã đóng vào quỹ BHXH.