Translate

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

TIỀN LƯƠNG LÀ TÀI SẢN BẤT KHẢ XÂM PHẠM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG


Mỗi năm đến mùa mưa bão đồng bào miền Trung nước ta lại hứng chịu những trận mưa lũ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, và cũng mỗi khi như vậy tinh thần tương thân, tương ái của người dân Việt Nam được dịp trào dâng. Trong các doanh nghiệp, cơ quan lại sôi sục tinh thần ủng hộ đồng bào bị bão lũ, một số đơn vị kêu gọi mỗi người lao động ủng hộ 1 ngày lương hoặc một số tiền nhất định để ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp, đơn vị không kêu gọi ủng hộ theo đúng nghĩa mà trừ thẳng tiền lương của người lao động mà không có sự đồng ý của người lao động, thậm chí không thông báo cho người lao động việc trừ tiền lương, có một số doanh nghiệp cẩn thận hơn chút thì làm thông báo có sự nhất trí của Người sử dụng lao động và Chủ tịch công đoàn sau đó tự động trừ thẳng vào tiền lương của người lao động. Việc tự động trừ tiền lương của người lao động xét ở góc độ pháp lý là không phù hợp.

1. Tiền lương là tài sản của người lao động.

Điều 170, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định một trong những trường hợp được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó là do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp. 

Như vậy, tiền lương là do người lao động bỏ sức lao động hợp pháp để tạo ra nên người lao động đó được xác lập quyền sở hữu tài sản đối với tiền lương của mình. Khi đã sở hữu tài sản đó thì người ta có đầy đủ ba quyền: Quyền chiếm hữu; Quyền sử dụng; Quyền định đoạt. Đó là những quyền bất khả xâm phạm nếu không được người sở hữu tài sản đồng ý.

2. Người sử dụng lao động có quyền trừ tiền lương của người lao động để làm từ thiện?

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện một công việc theo sự thỏa thuận giữa hai bên.

Người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho người lao động. Nếu họ không vi phạm pháp luật lao động dẫn đến phải khấu trừ tiền lương (Điều 101 và Điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012) thì người sử dụng lao động không thể trừ được.

Như phân tích ở trên, tiền lương là tài sản của người lao động, chính vì vậy, họ được quyền sở hữu tài sản của mình, người sử dụng lao động không được phép thực hiện thay họ bất cứ quyền nào trong 3 quyền được hình thành khi họ được sở hữu tài sản (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt) nếu không được sự đồng ý của họ.

Như vậy, người sử dụng lao động không thể khấu trừ tiền lương của người lao động để ủng hộ quỹ nào đó khi chưa được sự đồng ý của người lao động.

3. Ban chấp hành công đoàn có quyền đồng ý để khấu trừ tiền lương của người lao động để làm từ thiện khi họ chưa đồng ý?

Về bản chất, Ban chấp hành công đoàn là tổ chức Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Cần nhấn mạnh ở đây là Ban chấp hành công đoàn là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động chứ không phải đại diện những cái không chính đáng và không hợp pháp. Ban chấp hành công đoàn không được phép đại diện cho người lao động ngoài các quan hệ lao động theo quy định của pháp luật và các quan hệ khác khi chưa được sự đồng ý của người lao động.

Việc khấu trừ tiền lương của người lao động chỉ được thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2012 (Điều 101 và Điều 130).

Trong trường hợp trên, có lẽ Ban chấp hành công đoàn đã dựa vào cách hiểu Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động nên có quyền quyết định hộ người lao động việc khấu trừ tiền lương để ủng hộ đồng bào lũ lụt. Tuy nhiên, trong trường hợp này việc đồng ý khấu trừ tiền lương của người lao động đồng nghĩa với việc Ban chấp hành công đoàn đã thực hiện quyền định đoạt tài sản của người lao động khi chưa được sự đồng ý của người lao động. Điều này là hoàn toàn không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự về quyền sở hữu tài sản của cá nhân. 

Luật Công đoàn năm 2012 cũng như các văn bản hiện hành chưa có bất cứ chữ nào, dòng nào ghi Ban chấp hành Công đoàn có quyền định đoạt tài sản của người lao động.

Như vậy, có thể kết luận: Tiền lương là tài sản của người lao động, không ai có quyền định đoạt, sử dụng hay chiếm hữu nếu chưa được sự đồng ý của người lao động. Ban chấp hành công đoàn hoặc người sử dụng lao động không được phép đồng ý cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khấu trừ tiền lương của người lao động, nếu muốn trừ tiền lương của người lao động để ủng hộ bất cứ ai, sử dụng vào bất cứ mục đích gì phải được sự đồng ý của người lao động. Nếu không được sự đồng ý của người lao động thì việc khấu trừ tiền lương là vi phạm pháp luật.