Translate

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?

Sưu tầm
Ảnh sưu tầm
Thi đỗ Đại học là niềm mơ ước của hầu hết học sinh phổ thông, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Các bạn Học sinh, các bậc phụ huynh gần như tuyệt đối hóa việc vào Đại học, trong tư tưởng mọi người đều nghĩ phải học Đại học thì sau này mới có được công việc ổn định, mới được mọi người tôn trọng. Tuy nhiên, thực tế thì Đại học không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công, có rất nhiều lựa chọn để đi đến thành công.

Trong những năm gần đây, các trường Đại học mọc ra ngày càng nhiều, đào tạo một cách tràn lan dẫn đến cung nguồn nhân lực chất lượng cao vượt quá cầu lao động, chính vì vậy số lượng người có trình độ Đại học, Cao đẳng thất nghiệp ngày càng nhiều.

Tổng lực lượng lao động nước ta hiện nay là 53,7 triệu người, trong đó có 47,4 triệu người trong độ tuổi lao động. Với quy mô như vậy, vấn đề giải quyết việc làm là thách thức lớn cho toàn xã hội.

Tính đến hết quý I năm 2014, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó đáng chú ý là số lượng người thuộc nhóm lao động có trình độ cao khá lớn: Có hơn 160.000 người có trình độ Đại học trở lên bị thất nghiệp; hơn 79.000 người có trình độ Cao đẳng bị thất nghiệp. 

Trong khi tỷ lệ người thất nghiệp có trình độ Đại học, cao đẳng ngày càng gia tăng thì chúng ta lại thiếu trầm trọng đội ngũ lao động lành nghề. Việc “thừa thầy thiếu thợ” đã cản trở sự phát triển của đất nước.

Trong nhiều năm qua, cơ cấu đào tạo của nước ta bất hợp lý dẫn đến cơ cấu nguồn nhân lực cũng bất hợp lý. Tỷ lệ ĐH/THCN/CNKT ở nước ta là 1/2,5/7,1 (năm 1979); 1/1,6/2,3 (năm 1989); 1/0,83/0,6 (trong những năm 1990-1995); năm 2004 là 1/1,16/0,92; đến năm 2012 tỷ lệ này là 1/0,43/0,56.  

Trong khi đó ở các nước trên thế giới, tùy vào giai đoạn phát triển của khoa  học kỹ thuật người ta bố trí tỷ lệ này như sau:

-  Khu vực dịch vụ, tỷ lệ: ĐH/ TCCN/ nhân viên = 1/4/10.
- Khu vực công nghiệp, tỷ lệ: ĐH/ TCCN/ CNKT:
+ Ở giai đoạn cơ khí hóa: 1 kỹ sư + 4 trung cấp + 60 công nhân kỹ thuật lành nghề + 20 công nhân bán lành nghề và 15 lao động phổ thông.
+ Ở giai đoạn thiết bị tự động hóa một phần trong từng khu vực, cơ cấu nhân lực được bố trí là: 1 cán bộ nghiên cứu + 17 kỹ sư + 21 kỹ thuật viên + 60 công nhân lành nghề + 11 công nhân bán lành nghề, không có lao động phổ thông.
+ Ở giai đoạn tự động hóa toàn bộ mang hệ thống chương trình và công nghệ thông tin phát triển thì cơ cấu nhân lực được bố trí theo hình tháp cụt: 4 cán bộ nghiên cứu + 25 kỹ sư + 50 kỹ thuật viên + 21 công nhân lành nghề.

Các nhà khoa học cho rằng: Nhìn chung trong suốt các giai đoạn tiến bộ kỹ thuật, lực lượng nòng cốt của nền sản xuất công nghiệp bao giờ cũng vẫn là công nhân lành nghề, chỉ khi nào bước sang nền kinh tế hậu công nghiệp (kinh tế tri thức) thì những người công nhân lành nghề ấy chuyển hóa dần thành kỹ thuật viên trung cấp và kỹ sư.

Cụ thể hơn, ở Malaysia, tỷ lệ kỹ sư - cán bộ kỹ thuật - công nhân lành nghề ở Malaysia là 1 - 4 – 10; Ở Hàn Quốc trong những năm 1985 (giữa thời kỳ công nghiệp hóa của Hàn Quốc) cơ cấu này là 1/5/25.

Nhìn ở góc độ nhỏ hơn, như ở tập đoàn Samsung, khi đầu tư vào Việt Nam họ bố trí cứ 100 lao động thì có 4,5% kỹ sư , 16,7% trung cấp, 65,8% Công nhân kỹ thuật, 13,5% lao động phổ thông (nguồn Tổng cục dạy nghề).

Nhìn vào những số liệu đó và nhìn vào tình hình phát triển kinh tế của nước ta hiện nay, ta có thể thấy ngay được những bất hợp lý trong cơ cấu nguồn nhân lực của nước ta.

Phân tích như vậy để thấy được rằng, nước ta đang thừa những người có trình độ Đại học, cao đẳng và thiếu trầm trọng đội ngũ công nhân lành nghề. Các bạn học sinh có nhiều sự lựa chọn, thậm chí lựa chọn tốt hơn nhiều so với việc học Đại học.

Không vào được Đại học nhưng cơ hội của các bạn còn rất nhiều, nhiều cánh cửa khác đang chờ đón các bạn. Đừng buồn nếu bạn không thi đỗ Đại học, hãy chọn cho mình một nghề phù hợp để sau này có được công việc ổn định, nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trung Hiếu

(Bài viết sử dụng số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và trong bài viết "Cải cách cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa" của PGS.TS Đặng Duy Ánh - Viện nghiên cứu đào tạo và tư vấn khoa học).