Translate

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

TRẢ LƯƠNG CHO NGƯỜI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC LÀM CÔNG NHÂN THẾ NÀO?

Theo số liệu của bản tin thị trường lao động quý II năm 2016, số lượng người có trình độ Đại học thất nghiệp khoảng 191 nghìn 300 người, trong số những cử nhân thất nghiệp này có một số ít chấp nhận làm những công việc đòi hỏi thấp hơn trình độ của mình, điển hình như việc nhiều người chủ động ứng tuyển vào vị trí công nhân tại các khu công nghiệp. Những người này nếu đi làm công nhân thì sẽ được trả lương ra sao?

Trước hết, cần khẳng định rằng việc trả lương phải căn cứ vào nhiều yếu tố, tiền lương tối thiểu chỉ là một trong căn cứ. Để người lao động yên tâm làm việc thì doanh nghiệp phải trả mức lương hợp lý, đảm bảo tính công bằng nội bộ và công bằng so với thị trường lao động. Đối với trường hợp này, mình nêu quan điểm dựa trên vấn đề đúng sai khi trả lương tối thiểu.

Việc trả tiền lương cho người tốt nghiệp Đại học đi làm công nhân hiện tại có 2 Nghị định quy định đó là Nghị định 49/2013/NĐ-CP và Nghị định 122/2015/NĐ-CP. Hai Nghị định này đang mâu thuẫn với nhau. Cụ thể như sau:


1. Doanh nghiệp được phép trả lương như đối với lao động phổ thông chưa qua học nghề, đào tạo nghề

Theo điểm b, khoản 3, Điều 7, Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương: "Tiền lương thấp nhất của CÔNG VIỆC HOẶC CHỨC DANH đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo, học nghề (kể cả do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định".

Quy định này hướng doanh nghiệp trả lương theo vị trí công việc chứ không quy định trả lương theo bằng cấp của người lao động. Nghĩa là theo quy định này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể trả lương dựa theo yêu cầu của vị trí công việc. Giả sử doanh nghiệp quy định vị trí công nhân chỉ yêu cầu lao động phổ thông, không cần phải qua đào tạo nghề và điều kiện làm việc không nặng nhọc, độc hại thì doanh nghiệp có thể trả tiền lương của vị trí công nhân bằng với mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Ngược lại, nếu doanh nghiệp yêu cầu vị trí công nhân phải qua đào tạo, học nghề thì khi trả lương phải ít nhất cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng. 

Như vậy, nếu áp dụng Nghị định này, doanh nghiệp có thể trả lương cho người tốt nghiệp Đại học đi làm công nhân bằng mức lương tối thiểu vùng đối với lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề với điều kiện là phải có văn bản quy định yêu cầu đối với vị trí công nhân không yêu cầu phải học nghề hoặc đào tạo.

2. Doanh nghiệp phải trả lương ít nhất cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng

Điểm b, khoản 1, Điều 5, Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2015 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng thì tiền lương trả cho người lao động đã học nghề: "Cao hơn ít nhất 7% so với mức tiền lương tối thiểu vùng đối với NGƯỜI LAO ĐỘNG đã qua học nghề theo quy định tại khoản 2, Điều này".

Người lao động đã qua học nghề bao gồm các trường hợp sau (Khoản 2, Điều 5, Nghị định 122/2015/NĐ-CP):

a) Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;

b) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;

c) Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề; 

d) Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm; 

đ) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp; 

e) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học; 

g) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài; 

h) Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.

Nếu áp dụng quy định này, người lao động đã qua học nghề thì mặc định được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng mà không quan tâm đến vị trí công việc doanh nghiệp yêu cầu như thế nào. Đối chiếu với quy định này thì người lao động đã tốt nghiệp Đại học mà làm công nhân thì tiền lương doanh nghiệp phải trả ít nhất cao hơn mức lương tối thiểu vùng là 7%.

Như vậy, việc doanh nghiệp áp dụng 1 trong 2 Nghị định trên đều không sai. Khi cơ quan Nhà nước kiểm tra thì phải trích dẫn được cơ sở pháp lý thì sẽ không lo bị xử lý.

Nếu doanh nghiệp vẫn muốn trả mức lương của người tốt nghiệp Đại học bằng mức lương của lao động phổ thông thì nên thể hiện trên văn bản chính thức (Hợp đồng lao động hoặc các văn bản tương đương) rằng người lao động đó là lao động phổ thông.

Ngoài ra, khi trả lương doanh nghiệp cần phải quan tâm đến các quy định khác về điều kiện làm việc. Các quy định này đã quy định rõ trong nghị định 49/2013/NĐ-CP.