Translate

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

RÈN LUYỆN LÝ TRÍ VÀ TÌNH CẢM

Trong một con người luôn tồn tại sự đấu tranh giữa Bộ não và trái tim. Khi bộ não chiến thắng thì con người ta sẽ hành động hoàn toàn theo lý trí, con người đó sẽ rất khô khan; còn khi trái tim chiến thắng thì người ta sẽ hành động hoàn toàn theo tình cảm, cảm tính khi đó con người đó sẽ rất yếu đuối, chỉ một cú sốc nhỏ thôi cũng đủ để người ta ngã gục.


Để đạt được trạng thái cân bằng trong một con người thì người ta phải rèn luyện để trái tim và bộ óc luôn có tỷ số "hòa" trong mỗi trận đấu.

Đọc sách là một trong rất nhiều cách để rèn luyện con người. Nếu chỉ đọc những cuốn sách rèn luyện ý chí, bản lĩnh thì (có thể) con người đó sẽ rất cứng rắn, đầy nghị lực... Nếu chỉ đọc những cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn thì (có thể) con người đó sẽ yếu đuối, mỏng manh... Vì vậy cần phải có sự kết hợp cả hai thể loại sách này để đạt được trạng thái cân bằng.

THAM NHŨNG LÀ DO LƯƠNG THẤP?

Tiền lương của cán bộ công chức thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng. Điều này thì chẳng mấy người phản đối cả. Nhưng nếu cứ lấy lý do lương thấp để bao biện cho hành vi tham nhũng thì có đúng không?

"Tiền lương thấp nên tham nhũng" có thể hiểu như thế này: Trong quá trình làm việc, do lương thấp quá không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống nên người ta sinh ra tham nhũng. Cái này áp dụng với những người mà ngày trước còn hình thức Nhà nước phân công công tác thì có vẻ hợp lý vì họ không có cơ hội được lựa chọn nhưng đối với những người trẻ hiện nay mà tham nhũng thì cái lý do đấy không được hợp lý lắm.

Nếu đổi tại lương mà tham nhũng thì không đúng, anh hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn làm việc trong nhà nước hay ngoài doanh nghiệp, vậy tại sao anh lại chọn làm trong nhà nước rồi kêu lương thấp, rồi tham nhũng?

Nhà nước đã quy định rõ thang lương, bảng rất cụ thể. Anh có trình độ nào sẽ được hưởng mức lương đó, chế độ tăng lương có lộ trình rất cụ thể rồi nếu anh thấy thấp thì anh không làm nữa, có ai bắt anh phải vào đâu (trừ một số trường hợp cá biệt). Nếu đã vào rồi thì anh phải chấp nhận chứ, mọi quyết định đều có chi phí cơ hội cả, anh chấp nhận được ổn định, được "oai" thì anh phải chấp nhận mức thu nhập không cao. Đó là điều đương nhiên.

Thêm nữa, việc xin được việc trong các cơ quan nhà nước khó hơn rất nhiều, yêu cầu (xét về bằng cấp) là khá cao. Chỗ làm vừa khó xin lương lại thấp tại sao lại vào làm gì? Sao không ra doanh nghiệp làm cho lương nó cao?

Như vậy, lương thấp dẫn đến tham nhũng chỉ có thể là lý do bao biện với những người bị ép buộc phải làm việc trong cơ quan nhà nước thôi còn những người tự nguyện làm việc trong cơ quan nhà nước thì không thể lấy lý do này mà bao biện cho hành vi tham nhũng được. Những người trẻ mà tham nhũng là do người ta tự nguyện lựa chọn tham nhũng chứ không phải vì lương thấp không đủ chi tiêu cho cuộc sống nên tham nhũng. Họ kỳ vọng rằng vào cơ quan nhà nước để được cái gì đó (các khoản thu nhập ngoài lương, độ "oai", sự ổn định chẳng hạn) chứ không phải là kỳ vọng vào lương.

LỰA CHỌN CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Việc sử dụng máy cắt lúa thay cắt thủ công như hiện tại rõ ràng sẽ tiết kiệm rất nhiều sức lao động nhưng người nông dân lại lý luận thế này: Nhà tôi có 5 người, nếu cắt bằng tay một ngày cả nhà tôi làm được khoảng 5 sào trong khi nếu sử dụng máy gặt chỉ cần mất 2 tiếng là xong, vậy 5 người nhà tôi sẽ làm gì trong thời gian còn lại? Đi chơi à?


Lý luận của người nông dân là hoàn toàn có cơ sở nếu xét trên góc độ việc làm.

Một trong những mô hình tạo việc làm đó là mô hình lựa chọn công nghệ vào sản xuất, công nghệ cao sẽ có năng suất lao động cao, sử dụng ít lao động và ngược lại. Khi lượng lao động dôi dư quá nhiều thì người ta sẽ chấp nhận lựa chọn công nghệ thấp nhưng sử dụng nhiều lao động để giải quyết lượng lao động dôi dư. 

Trong trường hợp này, nếu lựa chọn sử dụng máy cắt lúa vào sản xuất (tạm coi là công nghệ cao) thì sẽ cho năng suất cao, tiết kiệm được rất nhiều lao động tuy nhiên nó lại tạo ra lượng lao động dôi dư quá lớn, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động của lao động nông thôn giảm đi cùng với đó là tỷ lệ lao động thiếu việc làm càng tăng (bản chất lao động trong ngành nông nghiệp nước ta đã là lao động thời vụ, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động thấp…).

Khi năng suất lao động tăng, nếu quy mô sản xuất không tăng theo thì thất nghiệp sẽ xuất hiện. Trong sản xuất lúa ở nước ta, năng suất lao động có thể nâng cao bằng nhiều phương pháp nhưng quy mô sản xuất thì rất khó tăng do diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm.

Như vậy, nếu muốn cơ khí hóa nông nghiệp thì cần phải có phương án sử dụng lượng lao động dôi dư phù hợp để giảm tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn. Nếu không có phương án sử dụng lao động dôi dư sau khi cơ giới hóa thì sẽ vấp ngay phải sự phản đối từ chính những người nông dân.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

NGUYÊN NHÂN CỦA LẠM PHÁT DƯỚI ÂM PHỦ?

Ra chợ những ngày rằm, ngày lễ thấy la liệt là vàng mã, tiền âm phủ, đồ cúng lễ cho người âm. Nhìn thấy tiền vàng âm phủ lại chợt nghĩ đến công cuộc chống lạm phát của nước mình và tự nghĩ không biết ngân hàng địa phủ điều tiết thị trường tiền tệ sao mà giỏi thế.

Trên trần gian, vào các ngày rằm, ngày lễ, giỗ, người người mua tiền vàng, đồ đạc, nhà nhà mua tiền vàng, đồ đạc để "gửi" xuống cho những người thân của mình dưới âm phủ. Chưa có ai thống kê được số lượng tiền vàng mà những người trên trần gian đã "gửi" xuống địa phủ nhưng theo mình con số đấy nó lớn lắm, cứ thử nhìn mà xem, mỗi nhà vào các ngày lễ, ngày giỗ cũng đều có cả chục cây vàng, hàng xấp tiền toàn 500n, 100 đô la...rồi thì xe máy, ô tô, máy bay, điện thoại...nói chung là chẳng thiếu thứ gì. Mình đang thắc mắc là không biết với lượng tiền ấy nó có nhiều quá so với "nền kinh tế" của địa phủ không? Không biết khi lượng tiền nó nhiều như thế dưới địa phủ có bị lạm phát như trên trần gian này không?

Lạm phát xuất hiện khi lượng tiền trên thị trường lớn hơn lượng hàng hóa trên thị trường, người ta sử dụng nhiều chính sách nhưng chung quy lại cũng chỉ để cho lượng tiền trên thị trường và lượng hàng hóa nó bằng hoặc tương đương nhau mà thôi.

Hàng năm lượng tiền xuống tới Ngân hàng địa phủ nhiều như vậy trong khi những "công dân" của âm phủ lại gần như không phải sản xuất gì (vì mọi đồ dùng đều được những người trên trần đốt xuống cả rồi) như thế không lạm phát mới là lạ. Một cách vô tình, những hành động tưởng chừng như rất tốt của những người trên trần gian vô tình lại đẩy những "công dân" của thế giới âm phủ phải oằn mình chống chọi với nạn lạm phát.

Cũng có thể là dưới Ngân hàng địa phủ có một ông Thống đốc vô cùng giỏi có thể điều tiết được cung và cầu tiền nên lạm phát vẫn không xảy ra. Nếu như vậy thì ngân hàng địa phủ thật là giỏi. Ngân hàng nhà nước Việt Nam có lẽ nên "cử" người xuống để học hỏi kinh nghiệm chống lạm phát để áp dụng cho trên trần gian. Nhưng nói gì thì nói, cứ phải chống lạm phát là mệt rồi.

Đôi khi muốn làm việc tốt mà chưa kết quả của nó đã là tốt, thôi thì "gửi" tiền thì cứ gửi nhưng mọi người hãy nên tính toán một chút, cứ gửi nhiều tiền xuống như vậy những "công dân" âm phủ đâu có được lợi gì, có khi còn bị thiệt hại nữa là đằng khác. Vậy nên, mọi người hãy cân nhắc chút trước khi đốt tiền vàng xuống âm phủ!