Translate

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

NỘI THẤT BẾP XINH NHƯNG KHÔNG XINH

Ông Trần Văn Toàn làm việc tại Công ty CP XD và Dịch vụ Bếp Xinh (gọi tắt là Bếp Xinh) từ ngày từ ngày 16 tháng 12 năm 2014 (Thời điểm gần tết Nguyên Đán 2015 đến sau Tết Nguyên Đán) tại vị trí Quản đốc xưởng Bếp Xinh. Sau hơn 3 tháng làm việc công ty không ký hợp đồng lao động với ông Toàn, không trả bất kỳ một đồng lương nào cho ông Toàn, đến ngày 20/03/2015 Ông Đào Xuân Anh ra quyết định (thông qua E-mail nội bộ) cho ông Toàn và một số nhân viên của công ty tạm nghỉ việc do tình hình công ty khó khăn cần cắt giảm nhân sự.
Sau khi nghỉ việc, ông Toàn đã bàn giao công việc theo đúng quy trình nhưng khi đề nghị thanh toán lương thì ông Đào Xuân Anh lấy lý do công ty khó khăn về kinh tế nên chưa thanh toán ngay được hẹn khi nào kế toán làm xong bảng lương thì sẽ thanh toán. Nhưng từ ngày 20/03/2015 đến ngày 13/05/2015 ông Toàn đã đến công ty rất nhiều lần để thanh toán lương thì đều được Phòng kế toán của công ty và bản thân Ông Đào Xuân Anh trả lời chưa thanh toán được. Sau đó ông Đào Xuân Anh và Phòng kế toán công ty chuyển cho ông Toàn bảng thanh toán lương của hơn 3 tháng, số tiền là 28.677.000 đồng (Hai mươi tám triệu sáu trăm bảy mươi bảy nghìn đồng) và ký Giấy cam kết thanh toán lương (gửi kèm đơn này) cho ông Toàn.
Cam kết thanh toán lương Công ty Bếp Xinh ký với ông Toàn

Giấy cam kết thanh toán lương công ty ký với ông Toàn với nội dung chính là công ty sẽ thanh toán số tiền trên cho ông Toàn thành 4 đợt, mỗi tháng 1 đợt, tính từ ngày 13/05/2015. Tuy nhiên, công ty đã không thực hiện như đúng cam kết đã ký với ông Toàn, ông Toàn đã gọi điện nhiều lần để yêu cầu thanh toán lương nhưng Công ty Bếp Xinh vẫn không thanh toán lương cho ông Toàn.
Ngày 13/10/2015 ông Toàn đã gửi Giấy yêu cầu thanh toán tiền lương theo cam kết tới ông Đào Xuân Anh – Giám đốc Công ty CP XD và Dịch vụ Bếp Xinh, phân tích rõ những sai phạm mà Bếp Xinh đã vi phạm trong lĩnh vực lao động và yêu cầu Công ty Bếp Xinh thanh toán toàn bộ số tiền lương công ty đã cam kết đối với ông Toàn trước ngày 31/10/2015, nhưng công ty Bếp Xinh vẫn không thanh toán cũng như có bất cứ phản hồi nào với ông Toàn.
Ngày 02/11/2015, ông Toàn gửi Giấy đề nghị thanh toán tiền lương lần thứ 2 đến Bếp Xinh và yêu cầu thanh toán tiền lương cho ông Toàn trước ngày 13/11/2015, nhưng đến thời điểm này (ngày 10/12/2015) ông Toàn vẫn chưa nhận được bất cứ đồng lương nào cũng như phản hồi từ phía Bếp Xinh.
Công ty Bếp Xinh đã vị phạm nghiêm trọng một số quy định của Pháp luật Lao động. Cụ thể như sau:
1. Công ty Bếp Xinh vi phạm về giao kết hợp đồng lao động. Ông Toàn làm việc tại vị trí Quản đốc xưởng Bếp Xinh, không phải là vị trí công việc thời vụ hay công việc ngắn ngày nhưng công ty không giao kết hợp đồng lao động với ông Toàn là vi phạm Điều 18, Bộ Luật lao động năm 2012.

2. Công ty không trả lương đúng hạn trong thời gian ông Toàn làm việc và sau khi ông Toàn nghỉ việc. Trong suốt thời gian ông Toàn làm việc, Bếp Xinh không trả lương cho ông Toàn mặc dù trước khi về nghỉ Tết Nguyên Đán 2015 ông Toàn đã yêu cầu nhưng công ty hẹn ngày trả nhưng không trả. Sau khi ông Toàn nghỉ việc, lẽ ra công ty phải thanh toán toàn bộ số tiền lương của ông Toàn trong vòng 7 ngày kể từ ngày ông Toàn nghỉ việc (Điều 47, Bộ Luật Lao động năm 2012) nhưng Bếp Xinh đã không thanh toán mà ký giấy cam kết thanh toán lương chia thành 4 đợt như ông Toàn đã trình bày ở trên. 

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

NỘI THẤT BẾP XINH: THƯƠNG HIỆU QUỴT LƯƠNG

Trong ngành Nội thất của miền Bắc thì Bếp Xinh là cái tên được khá nhiều người biết đến. Website công ty (http://www.bepxinh.vn/) luôn đăng tải những hình ảnh đẹp về những công trình đã thi công. Tuy nhiên, đằng sau những hình ảnh đó là những hành đvi vô cùng xấu xí của Bếp Xinh đối với người lao động. Trường hợp dưới đây là một trong những minh chứng cho những hành vi phi pháp của Bếp Xinh.

Anh Toàn làm việc tại Công ty CP XD và Dịch vụ Bếp Xinh (gọi tắt là Bếp Xinh) từ ngày 16 tháng 12 năm 2014 (thời điểm gần tết Nguyên Đán 2015) tại vị trí Quản đốc xưởng Bếp Xinh. 

Sau hơn 3 tháng làm việc công ty không ký hợp đồng lao động với anh Toàn và không trả bất kỳ một đồng lương nào cho anh Toàn. Đến ngày 20/03/2015 Ông Đào Xuân Anh - Giám đốc Bếp Xinh ra quyết định cho anh Toàn và một số nhân viên của công ty tạm nghỉ việc do tình hình công ty khó khăn cần cắt giảm nhân sự. 

Anh Toàn đã bàn giao công việc theo đúng quy trình nhưng khi đề nghị thanh toán lương thì ông Đào Xuân Anh lấy lý do công ty khó khăn về kinh tế nên chưa thanh toán ngay được hẹn khi nào kế toán làm xong bảng lương thì sẽ thanh toán. Nhưng từ ngày 20/03/2015 đến ngày 13/05/2015 anh Toàn đã đến công ty rất nhiều lần để thanh toán lương thì đều được Phòng kế toán của công ty và Ông Đào Xuân Anh trả lời chưa thanh toán được. Sau đó ông Đào Xuân Anh và Phòng kế toán công ty chuyển cho anh Toàn bảng thanh toán lương của hơn 3 tháng, số tiền là 28.677.000 đồng (Hai mươi tám triệu sáu trăm bảy mươi bảy nghìn đồng) và ký Giấy cam kết thanh toán lương cho anh Toàn.

Giấy cam kết thanh toán lương công ty ký với anh Toàn với nội dung chính là công ty sẽ thanh toán số tiền trên cho anh Toàn thành 4 đợt, mỗi tháng 1 đợt, tính từ ngày 13/05/2015. Tuy nhiên, Bếp Xinh đã không thực hiện như đúng cam kết, anh Toàn đã gọi điện nhiều lần để yêu cầu thanh toán lương nhưng Bếp Xinh vẫn không thanh toán lương cho anh Toàn.
Cam kết thanh toán lương Bếp Xinh gửi cho anh Toàn
Ngày 13/10/2015, anh Toàn đã gửi Giấy yêu cầu thanh toán tiền lương theo cam kết tới ông Đào Xuân Anh – Giám đốc Công ty CP XD và Dịch vụ Bếp Xinh, phân tích rõ những sai phạm mà Bếp Xinh đã vi phạm trong lĩnh vực lao động và yêu cầu Công ty Bếp Xinh thanh toán toàn bộ số tiền lương công ty đã cam kết đối với anh Toàn trước ngày 31/10/2015, nhưng Bếp Xinh vẫn không thanh toán cũng như có bất cứ phản hồi nào với anh Toàn.

Ngày 02/11/2015, anh Toàn gửi Giấy đề nghị thanh toán tiền lương lần thứ 2 đến Bếp Xinh và yêu cầu thanh toán tiền lương cho anh Toàn trước ngày 13/11/2015, nhưng đến thời điểm này (ngày 15/11/2015) tôi vẫn chưa nhận được bất cứ đồng lương nào cũng như phản hồi từ phía Bếp Xinh.

Với những chi tiết trong tình huống trên, Bếp Xinh đã có nhiều sai phạm trong lĩnh vực lao động.

SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NHƯNG KHÔNG GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG


Khoản 1, Điều 18, Bộ Luật lao động năm 2012 quy định: “Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.” 

Hình thức hợp đồng lao động có 2 hình thức: Giao kết hợp đồng bằng văn bản và Giao kết hợp đồng bằng lời nói. Trong 2 hình thức trên thì giao kết hợp đồng bằng lời nói chỉ có thể thực hiện đối với các công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các trường hợp khác phải giao kết bằng văn bản (Điều 16, Bộ Luật lao động năm 2012)

Trong trường hợp trên, anh Toàn đã làm cho Bếp Xinh từ ngày 16/12/2014 đến ngày 20/03/2015, tổng thời gian là 94 ngày (nhiều hơn 3 tháng), vị trí công việc là Quản đốc phân xưởng thì không thể là công việc tạm thời. Như vậy, Bếp Xinh không thể giao kết bằng lời nói đối với anh Toàn được.
Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 08 năm 2013 quy định: 
“1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;”

VI PHẠM NGUYÊN TẮC TRẢ LƯƠNG VÀ KỲ HẠN TRẢ LƯƠNG

Anh Toàn làm việc tại Công ty Bếp Xinh hơn 3 tháng nhưng không được trả lương là vi phạm quy định của Bộ luật Lao động 2012 về kỳ hạn trả lương và nguyên tắc trả lương.

Theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật Lao động nặm 2012 thì Bếp Xinh phải trả cho anh Toàn mỗi tháng 1 lần hoặc nửa tháng một lần.

Điều 96 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nguyên tắc trả lương: "Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”

Nghiêm trọng hơn, khi anh Toàn nghỉ việc, Bếp Xinh đã không thanh toán tiền lương cho anh Toàn mà ký cam kết thanh toán lương. Cam kết thanh toán lương của Bếp Xinh đã vi phạm nghiêm trọng quỹ định của Bộ luật Lao động về trách nhiệm của người sử dụng lao động nghỉ việc. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, thì “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.” (Điều 47, Bộ luật Lao động năm 2012).

Theo quy định tại Điều 47, thì Bếp Xinh phải thanh toán đầy đủ tiền lương cho anh Toàn trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày anh Toàn nghỉ việc chứ không phải đợi đến khi anh Toàn hỏi việc thanh toán lương mới ký cam kết thanh toán lương. Nội dung cam kết thanh toán lương cũng không đúng quy định của pháp luật khi cam kết thanh toán tiền lương cho anh Toàn thành 4 đợt, mỗi tháng 1 đợt.

Theo quy định tại Khoản 3, 4, 5, 6, Điều 13, Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định:

"3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

4. Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;
b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này"

HÀNH VI TRÁI TRUYỀN THỐNG, VĂN HÒA DÂN TỘC VIỆT NAM

Người Việt Nam rất coi trọng Tết Nguyên Đán, trước khi Tết Nguyên Đán đến, ai có nợ người khác thì đều tự động mang trả hoặc người nào có nợ thì cũng cố gắng thu hồi các khoản nợ để tránh dây dưa sang năm mới và cũng để người cho vay có thêm tiền để sắm Tết.

Anh Toàn làm việc tại Bếp Xinh trong thời gian từ trước Tết Nguyên Đán năm 2015 đến sau Tết nhưng không được trả bất cứ khoản tiền lương nào là không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Qua những phân tích trên, có thể thấy, Bếp Xinh đã vi phạm nhiều quy định của Pháp luật Lao động và truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

CHỜ ĐỢI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ BÁO CHÍ VÀO CUỘC

Nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị vi phạm nghiêm trọng, ngày 13/11/2015, anh Toàn đã gửi đơn đến các Cơ quan: Thanh tra lao động TP Hà Nội, Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội và các cơ quan báo chí để thanh tra, điều tra, làm rõ các sai phạm của Bếp Xinh cũng như đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Anh Toàn hy vọng các cơ quan Nhà nước và cơ quan báo chí sẽ làm rõ những sai phạm của Bếp Xinh và yêu cầu Bếp Xinh hoàn trả lại số tiền lương của anh Toàn theo quy định của pháp luật.

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

TIỀN LƯƠNG LÀ TÀI SẢN BẤT KHẢ XÂM PHẠM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG


Mỗi năm đến mùa mưa bão đồng bào miền Trung nước ta lại hứng chịu những trận mưa lũ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, và cũng mỗi khi như vậy tinh thần tương thân, tương ái của người dân Việt Nam được dịp trào dâng. Trong các doanh nghiệp, cơ quan lại sôi sục tinh thần ủng hộ đồng bào bị bão lũ, một số đơn vị kêu gọi mỗi người lao động ủng hộ 1 ngày lương hoặc một số tiền nhất định để ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp, đơn vị không kêu gọi ủng hộ theo đúng nghĩa mà trừ thẳng tiền lương của người lao động mà không có sự đồng ý của người lao động, thậm chí không thông báo cho người lao động việc trừ tiền lương, có một số doanh nghiệp cẩn thận hơn chút thì làm thông báo có sự nhất trí của Người sử dụng lao động và Chủ tịch công đoàn sau đó tự động trừ thẳng vào tiền lương của người lao động. Việc tự động trừ tiền lương của người lao động xét ở góc độ pháp lý là không phù hợp.

1. Tiền lương là tài sản của người lao động.

Điều 170, Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định một trong những trường hợp được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó là do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp. 

Như vậy, tiền lương là do người lao động bỏ sức lao động hợp pháp để tạo ra nên người lao động đó được xác lập quyền sở hữu tài sản đối với tiền lương của mình. Khi đã sở hữu tài sản đó thì người ta có đầy đủ ba quyền: Quyền chiếm hữu; Quyền sử dụng; Quyền định đoạt. Đó là những quyền bất khả xâm phạm nếu không được người sở hữu tài sản đồng ý.

2. Người sử dụng lao động có quyền trừ tiền lương của người lao động để làm từ thiện?

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện một công việc theo sự thỏa thuận giữa hai bên.

Người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho người lao động. Nếu họ không vi phạm pháp luật lao động dẫn đến phải khấu trừ tiền lương (Điều 101 và Điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012) thì người sử dụng lao động không thể trừ được.

Như phân tích ở trên, tiền lương là tài sản của người lao động, chính vì vậy, họ được quyền sở hữu tài sản của mình, người sử dụng lao động không được phép thực hiện thay họ bất cứ quyền nào trong 3 quyền được hình thành khi họ được sở hữu tài sản (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt) nếu không được sự đồng ý của họ.

Như vậy, người sử dụng lao động không thể khấu trừ tiền lương của người lao động để ủng hộ quỹ nào đó khi chưa được sự đồng ý của người lao động.

3. Ban chấp hành công đoàn có quyền đồng ý để khấu trừ tiền lương của người lao động để làm từ thiện khi họ chưa đồng ý?

Về bản chất, Ban chấp hành công đoàn là tổ chức Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Cần nhấn mạnh ở đây là Ban chấp hành công đoàn là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động chứ không phải đại diện những cái không chính đáng và không hợp pháp. Ban chấp hành công đoàn không được phép đại diện cho người lao động ngoài các quan hệ lao động theo quy định của pháp luật và các quan hệ khác khi chưa được sự đồng ý của người lao động.

Việc khấu trừ tiền lương của người lao động chỉ được thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2012 (Điều 101 và Điều 130).

Trong trường hợp trên, có lẽ Ban chấp hành công đoàn đã dựa vào cách hiểu Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động nên có quyền quyết định hộ người lao động việc khấu trừ tiền lương để ủng hộ đồng bào lũ lụt. Tuy nhiên, trong trường hợp này việc đồng ý khấu trừ tiền lương của người lao động đồng nghĩa với việc Ban chấp hành công đoàn đã thực hiện quyền định đoạt tài sản của người lao động khi chưa được sự đồng ý của người lao động. Điều này là hoàn toàn không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự về quyền sở hữu tài sản của cá nhân. 

Luật Công đoàn năm 2012 cũng như các văn bản hiện hành chưa có bất cứ chữ nào, dòng nào ghi Ban chấp hành Công đoàn có quyền định đoạt tài sản của người lao động.

Như vậy, có thể kết luận: Tiền lương là tài sản của người lao động, không ai có quyền định đoạt, sử dụng hay chiếm hữu nếu chưa được sự đồng ý của người lao động. Ban chấp hành công đoàn hoặc người sử dụng lao động không được phép đồng ý cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khấu trừ tiền lương của người lao động, nếu muốn trừ tiền lương của người lao động để ủng hộ bất cứ ai, sử dụng vào bất cứ mục đích gì phải được sự đồng ý của người lao động. Nếu không được sự đồng ý của người lao động thì việc khấu trừ tiền lương là vi phạm pháp luật.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

TỪ PHÁT NGÔN CỦA BỘ TRƯỞNG NGHĨ VỀ MÀU TRẮNG

"Nếu bệnh nhân đang trong tình trạng đau đớn, cần điều trị mà bác sĩ nhận tiền trước khi khám là sai, nhưng sau khi trị bệnh thành công, bệnh nhân cảm ơn bác sĩ qua hình thức quà, hoa, phong bì là bình thường" và "Nhận phong bì chỉ là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh".
(Trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước Quốc hội - Theo Vietnamnet.vn)

Đọc đoạn này tôi liên tưởng đến màu trắng: Màu trắng - màu mà người ta luôn coi là sự trong trắng, sự tinh khiết. Theo cách suy luận (có thể là sai) của tôi thì những người thích màu trắng là những người thích sự trong trắng, thích sự thuần khiết...

Những người làm nghề Y đều khoác trên mình những bộ áo trắng. Tôi tự đặt câu hỏi là: Liệu người ta có thích mặc áo trắng không hay là do bị ép phải mặc?

Nếu là do thích mặc thì hãy giữ gìn cho màu trắng đầy đủ ý nghĩa của nó (cả nghĩa tường minh lẫn nghĩa hàm ẩn).

Còn nếu do bị ép phải mặc thì tôi nghĩ các cơ quan chức năng cũng nên linh động, nếu người ta không thích mặc thì hãy để người ta tự chọn một màu nào đó phù hợp với sở thích của mỗi người chứ đừng ép như thế nữa.

Cũng có một số người mặc áo trắng nhưng lại làm nó "bẩn", có người thì tự nhận lỗi là do mình làm "bẩn", nhưng cũng có người thường xuyên nói rằng: "Đấy là do người ta làm bẩn áo của tôi đấy chứ tôi có muốn bị bẩn đâu!" và lại nói rằng khi nhìn áo người ta nên nhìn vào những chỗ trắng chứ không nên nhìn vào một số vết "bẩn" nhỏ trên áo vì nó chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh" thôi. Nói như vậy cũng đúng, tôi đồng ý! Nhưng điều làm nhiều người băn khoăn là: Đến bao giờ thì trừ được hết "sâu" hay là không trừ được? "Không trừ được hết sâu là do đâu? Là do sâu miễn dịch hết với các loại thuốc trừ hay là do quá nhiều sâu không thể trừ hết được?" và "chúng ta có nên học cách sống chung với "sâu" không?"

Theo quan điểm của tôi thì để giữ được màu trắng thì cứ để làm theo sở thích thì hay hơn, nếu ai thích mặc màu trắng và thích giữ gìn màu trắng thì mặc còn không thích và không giữ được màu trắng thì thôi để người ta mặc màu khác chứ cứ bắt người ta mặc thế thì màu trắng nó sẽ bị ố, bị bẩn mất!

MẸO ĐI THI CÔNG CHỨC

Đi thi đại học thì chỉ một mình mình thi nếu có kiến thức thì sẽ đỗ còn thi công chức thì phải khác nhiều. 

Một người đi thi công chức nếu muốn được công bằng trong công tác coi thi (tôi chỉ nói là trong công tác coi thi thôi nha) thì phải kéo tất cả họ hoặc tất cả bạn bè, người thân đi cùng...!


Nếu như bạn vần "H" mà đi thi thì bạn phải lôi kéo làm sao được tất cả các vần còn lại đi thi cùng, và phải tính toán làm sao mỗi người phải ở một phòng và riếng phòng bạn thi phải có bạn và một người nữa thi cùng. Khi làm bài thì chỉ mình bạn làm thôi còn những người khác sẽ chỉ có nhiệm vụ "uống sữa Vinasoy" để "Soy" xem ai quay cop tài liệu, ai nhắc bài thì báo ngay với giám thị hoặc thanh tra, như vậy bạn mới được đối xử công bằng trong khi thi. Nếu bạn nào cẩn thận hơn thì bố trí mỗi phòng 2-3 người cho chắc ăn phòng khi người kia "Vi phạm quy chế thi".

Ngày xưa các cụ nói "Một người làm quan cả họ được nhờ" còn bây giờ thì muốn làm quan thì phải "cả họ đi thi cùng"!
Nếu ai có biện pháp nào hay nữa thì chia sẻ nha!

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

CÔNG NHÂN PHẢN ĐỐI QUY ĐỊNH HƯỞNG BHXH MỘT LẦN

Đọc bài báo này mà thấy buồn cho 1 quy định

Họ phản đối như thế này cũng đúng thôi.

Mình có đi thực tế tại Khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam), thấy thế này:

Thứ nhất, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển lao động trẻ (dưới 30 - 40 tuổi) vào làm việc, chỉ một số ít doanh nghiệp do không cạnh tranh được lao động hoặc dùng theo dạng vắt chanh bỏ vỏ nên chấp nhận tuyển những đối tượng nhiều tuổi.

Thứ hai, việc cho công nhân nghỉ việc ở đây là chuyện hết sức bình thường, người lao động có một hành động nào đó không vừa lòng người quản lý là có thể cho nghỉ việc. Tuy nhiên, việc xử lý như này vẫn hoàn toàn hợp luật do bộ phận nhân sự lợi dụng sự thiếu hiểu biết Luật lao động của công nhân tại đây để nói với họ rằng tự làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động để được hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, việc chấp hành Luật Bảo hiểm xã hội chưa cao, doanh nghiệp tìm mọi cách để trốn đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Với những thực tế trên, có thể xảy ra trường hợp thế này, một công nhân nữ 40 tuổi làm việc tại một công ty được 7 năm, và đang đóng bảo hiểm ở mức 2.4tr/tháng, đến một ngày xấu trời nào đó, công nhân này bị cho nghỉ việc. Do đã trên 40 tuổi nên việc tìm một công việc là rất khó và đành chấp nhận về quê làm ruộng nên họ không được tham gia bảo hiểm xã hội nữa.

Nếu theo quy định hiện hành (Luật BHXH năm 2006) thì sau 12 tháng kể từ ngày không đóng BHXH người công nhân này sẽ được nhận BHXH 1 lần với số tiền là 7*1.5*2.4= 25.2 triệu, số tiền này đủ để họ mua được vài con lợn hoặc 2 con bò để nuôi, cũng coi như là vốn để làm ăn.

Giờ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới, công nhân này phải đợi đến năm 55 tuổi, nghĩa là sau 15 năm nữa mội được lĩnh bảo hiểm xã hội 1 lần (theo luật BHXH năm 2014). Sau 15 năm nữa, CPI thì liên tục tăng, thử hỏi lúc đấy người ta số tiền thực tế mà người lao động nhận được sẽ là bao nhiêu? Trong khi đó nếu sử dụng số tiền 25 triệu kia để làm ăn thì người ta có thể tạo ra gấp vài lần số tiền ban đầu. Người ta cũng không quên những câu chuyện báo mới đăng gần đây về việc gửi tiết kiệm số tiền tương đương 2 chỉ vàng sau 30 năm nhận lại được hơn 4 nghìn đồng đâu.

Biết rằng Nhà nước quy định như thế là để đảm bảo việc hưởng lương hưu cho người lao động nhưng phải nghiên cứu thêm một chút.

Thứ nhất, Bảo hiểm xã hội về cơ bản thì nó cũng là một dạng tiết kiệm của người lao động, người ta đóng vào thì cũng có quyền rút ra chứ không thể có chuyện đóng vào rồi, rút ra thì khó được.

Thứ hai, Nếu muốn đảm bảo việc người lao động được hưởng lương hưu thì phải giải quyết triệt để việc trên 50% doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội đi đã, xây dựng đội thanh tra để bảo đảm thực thi pháp luật chứ không phải xây dựng đội thanh tra đến doanh nghiệp thanh tra rồi nhận phong bì rồi về.

Thứ ba, phải giải giải quyết tình trạng phân biệt đối xử trong tuyển chọn lao động của người sử dụng lao động để người lao động dễ dàng tìm kiếm được việc làm.

Thứ tư, nếu vẫn quy định như Luật BHXH 2014 thì phải có sự bảo đảm về số tiền mà người lao động đã đóng vào quỹ BHXH.