Translate

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CÁC QUYẾT ĐỊNH TRONG CÔNG TÁC NHÂN SỰ

Là người lao động thì hẳn sẽ không xa lạ gì với các loại quyết định liên quan đến nhân sự của Doanh nghiệp như: Quyết định tiếp nhận lao động, quyết định bổ nhiệm, quyết định luân chuyển lao động... về bản chất pháp lý, không phải lúc nào Quyết định cũng có giá trị pháp lý và người lao động phải thực hiện theo quyết định. Những phân tích dưới đây sẽ góp phần làm rõ ý nghĩa pháp lý của các loại Quyết định trong công tác nhân sự.

1. Quan hệ lao động được xác lập thông qua đàm phán, thương lượng

Bộ luật lao động năm 2012 quy định rất rõ về quan hệ lao động. Khoản 6, Điều 3, Bộ luật lao động năm 2012 "Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động".

Cơ sở để xác lập quan hệ lao động là sự thỏa thuận, thương lượng, đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động hoặc giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động về các quyền, lợi ích, nghĩa vụ trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương.

Nguyên tắc để thỏa thuận, thương lượng trong quan hệ lao động là phải tự nguyện, bình đẳng, hợp tác và tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

Những nội dung này được quy định rõ trong Khoản 1, Điều 7, Bộ luật lao động năm 2012 "Quan hệ lao động giữa người lao động hoặc tập thể lao động với người sử dụng lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau".

Kết quả của quá trình thương lượng, đàm phán giữa người sử dụng lao động và người lao động được thể hiện qua Hợp đồng lao động, giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động là thỏa ước lao động tập thể. Hợp đồng lao động hay thỏa ước tập thể là cơ sở quan trọng và có giá trị nhất để hai bên (Người sử dụng lao động và người lao động) thực thi những điều đã thỏa thuận với nhau và là căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp lao động. Khi đã ký kết hợp đồng lao động hay thỏa ước lao động tập thể thì cả hai bên đều có nghĩa vụ thực hiện đúng những điều đã cam kết, trong trường hợp muốn thay đổi thì phải được sự thống nhất giữa hai bên theo quy định của pháp luật lao động.

Như vậy, theo những quy định hiện tại của Bộ luật lao động thì cả người sử dụng lao động hay người lao động đều không được phép đơn phương áp đặt các điều kiện lao động hay nói cách khác là nếu một bên đơn phương ra quyết định thì bên còn lại không có nghĩa vụ phải thực hiện theo, và trong trường hợp này quan hệ lao động sẽ không được xác lập.

2. Người lao động không có nghĩa vụ phải thực hiện theo quyết định đơn phương của người sử dụng lao động

Như đã phân tích ở trên, quan hệ lao động được xác lập thông qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận, không bên nào được quyền áp đặt cho bên còn lại.

Giả sử, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau bằng một hợp đồng lao động với vị trí là Nhân viên kế toán công nợ với những công việc đã được quy định trong hợp đồng lao động thì người lao động có trách nhiệm phải thực hiện công việc đó và người sử dụng lao động phải bố trí người lao động làm công việc đó. Nếu một trong hai bên muốn thay đổi công việc thì phải thỏa thuận với bên còn lại để thống nhất, ký kết hợp đồng lao động mới hoặc ký phụ lục hợp đồng lao động.

Có rất nhiều công ty khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động vị trí công việc A nhưng sau một thời gian muốn thay đổi công việc nên ra quyết định điều chuyển người lao động sang công việc khác so với hợp đồng lao động mà không có sự thỏa thuận với người lao động. Điều này là hoàn toàn không đúng so với quy định của pháp luật lao động. Nếu muốn thay đổi công việc của người lao động thì trước khi ra quyết định cần phải thỏa thuận với người lao động và ký kết hợp đồng lao động mới hoặc phụ lục hợp đồng lao động.

Cũng có trường hợp, công ty thấy người lao động có năng lực nên ra quyết định bổ nhiệm người lao động vào vị trí cao hơn (xét về chức vụ và thu nhập thì người lao động có lợi hơn) nhưng không có sự thỏa thuận với người lao động. Hành động này cũng hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật lao động mặc dù có thể người lao động được hưởng lợi từ quyết định này.

Có người sẽ thắc mắc là tại sao bổ nhiệm người lao động thì người ta có vị trí tốt hơn, mức thu nhập tốt hơn mà pháp luật lai không cho phép? Làm vị trí cao và có mức thu nhập tốt là điều mà nhiều người lao động mong muốn, tuy nhiên, không phải ai cũng đều có nhu cầu đó, có người mong muốn vị trí cao, có người mong muốn mức thu nhập cao nhưng lại có người chỉ cần một công việc nhẹ nhàng, ít áp lực với mức thu nhập vừa phải, nếu bổ nhiệm người đó lên vị trí cao hơn người ta không thích. 

Tiêu cực hơn, có trường hợp doanh nghiệp lạm dụng việc bổ nhiệm để ép người lao động nghỉ việc. Giả sử, người lao động A đang làm việc tại vị trí Nhân viên kế toán, công ty ra quyết định bổ nhiệm lên vị trí Trưởng phòng kỹ thuật hoặc Kế toán trưởng trong khi người lao động đó không có chuyên môn và kinh nghiệm về kỹ thuật hoặc chưa đủ kiến thức, kỹ năng để đảm nhận vị trí Kế toán trưởng, như vậy, người lao động sẽ không thể thực hiện tốt công việc mới, dẫn đến không hoàn thành công việc và bị chấm dứt hợp đồng lao động. Chính vì vậy, pháp luật lao động phải quy định rõ quan hệ lao động phải được xác lập thông qua thương lượng, đàm phán.

Trong một số trường hợp nhất định, người sử dụng lao động được quyền điều chuyển người lao động sang làm công việc khác nhưng phải tuân thủ theo điều 31 của Bộ luật lao động năm 2012.

Như vậy, người lao động có quyền từ chối quyết định của người sử dụng lao động nếu thấy quyết định đó không đem lại lợi ích hoặc không thể hiện nguyện vọng của họ.

3. Quyết định từ một phía là sản phẩm của cơ chế xin - cho, không phù hợp trong cơ chế thị trường

Trước đây khi thị trường lao động chưa phát triển, người lao động hoàn toàn yếu thế (không có hoặc rất ít được đàm phán về công việc) nên người sử dụng lao động có toàn quyền sử dụng, điều chuyển, bố trí công việc cho người lao động, đôi khi không cần tham khảo ý kiến người lao động nhưng họ vẫn phải chấp nhận bởi nếu không chấp nhận sẽ bị cho nghỉ việc. Người sử dụng lao động muốn ra các quyết định để thể hiện quyền lực của mình. Điều này đã dẫn đến cơ chế xin - cho trong tuyển chọn lao động.

Ngày nay, khi thị trường lao động đã phát triển, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện thì cơ chế xin - cho này đang bị triệt tiêu dần và nó chỉ còn tồn tại trong các cơ quan nhà nước.

Một ví dụ tiêu biểu của cơ chế này đó là trước đây người lao động đi tìm việc thì thường phải yêu cầu có "Đơn xin việc" thì nay đa số các doanh nghiệp đã thay đổi hình thức thành dạng CV hoặc "Đơn ứng tuyển".

Như vậy, khi thị trường lao động phát triển, trình độ của người lao động được nâng cao, mức độ đoàn kết của tập thể người lao động cao thì những quyết định đơn phương như Quyết định bổ nhiệm, quyết định luân chuyển lao động, quyết định tiếp nhận lao động... sẽ được thay thế bằng hợp động lao động, thỏa ước lao động tập thể.

4. Làm sao để ra quyết định nhưng vẫn thể hiện đúng bản chất của quan hệ lao động?
Quan hệ lao động được thể hiện bằng hợp đồng lao động, trong hợp đồng lao động có rất nhiều điểu khoản cá nhân liên quan đến tiền lương, chế độ phúc lợi... nên nhiều doanh nghiệp không muốn công khai nhưng vẫn muốn các thành viên khác trong công ty biết và quan trọng là vẫn thể hiện được "quyền lực" của người sử dụng lao động bằng cách ra quyết định và sau đó tổ chức trao quyết định.

Để việc ra quyết định không trái pháp luật thì trước khi ra quyết định nào đó liên quan đến người lao động thì cần thỏa thuận trước với người lao động và ký kết với người lao động hợp đồng lao động mới hoặc phụ lục hợp đồng lao động sau đó, trong quyết định ghi rõ là căn cứ theo hợp đồng lao động để bổ nhiệm. Như vậy sẽ đảm bảo được cả 2 yếu tố trên.

Trong một số trường hợp, doanh nghiệp xây dựng quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động thì có thể thực hiện theo các quy chế này nhưng phải ghi trong hợp đồng lao động về sự tồn tại của quy chế quy định đó và phải cung cấp cho người lao động các quy chế, quy định để người lao động hiểu trước khi ký kết hợp đồng lao động.

Như vậy, có thkết luận rằng, quan hệ lao động được hình thành thông qua thương lượng, thỏa thuận và phi xuất phát từ hai bên (Người sử dụng lao động và người lao động), không một bên nào có quyền đơn phương áp đặt cho bên còn lại. Mọi hành vi đơn phương áp đặt đều không có giá trị pháp lý (ngoại trmột số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật).

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

TRẢ LƯƠNG CHO NGƯỜI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC LÀM CÔNG NHÂN THẾ NÀO?

Theo số liệu của bản tin thị trường lao động quý II năm 2016, số lượng người có trình độ Đại học thất nghiệp khoảng 191 nghìn 300 người, trong số những cử nhân thất nghiệp này có một số ít chấp nhận làm những công việc đòi hỏi thấp hơn trình độ của mình, điển hình như việc nhiều người chủ động ứng tuyển vào vị trí công nhân tại các khu công nghiệp. Những người này nếu đi làm công nhân thì sẽ được trả lương ra sao?

Trước hết, cần khẳng định rằng việc trả lương phải căn cứ vào nhiều yếu tố, tiền lương tối thiểu chỉ là một trong căn cứ. Để người lao động yên tâm làm việc thì doanh nghiệp phải trả mức lương hợp lý, đảm bảo tính công bằng nội bộ và công bằng so với thị trường lao động. Đối với trường hợp này, mình nêu quan điểm dựa trên vấn đề đúng sai khi trả lương tối thiểu.

Việc trả tiền lương cho người tốt nghiệp Đại học đi làm công nhân hiện tại có 2 Nghị định quy định đó là Nghị định 49/2013/NĐ-CP và Nghị định 122/2015/NĐ-CP. Hai Nghị định này đang mâu thuẫn với nhau. Cụ thể như sau:


1. Doanh nghiệp được phép trả lương như đối với lao động phổ thông chưa qua học nghề, đào tạo nghề

Theo điểm b, khoản 3, Điều 7, Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương: "Tiền lương thấp nhất của CÔNG VIỆC HOẶC CHỨC DANH đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo, học nghề (kể cả do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định".

Quy định này hướng doanh nghiệp trả lương theo vị trí công việc chứ không quy định trả lương theo bằng cấp của người lao động. Nghĩa là theo quy định này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể trả lương dựa theo yêu cầu của vị trí công việc. Giả sử doanh nghiệp quy định vị trí công nhân chỉ yêu cầu lao động phổ thông, không cần phải qua đào tạo nghề và điều kiện làm việc không nặng nhọc, độc hại thì doanh nghiệp có thể trả tiền lương của vị trí công nhân bằng với mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Ngược lại, nếu doanh nghiệp yêu cầu vị trí công nhân phải qua đào tạo, học nghề thì khi trả lương phải ít nhất cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng. 

Như vậy, nếu áp dụng Nghị định này, doanh nghiệp có thể trả lương cho người tốt nghiệp Đại học đi làm công nhân bằng mức lương tối thiểu vùng đối với lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề với điều kiện là phải có văn bản quy định yêu cầu đối với vị trí công nhân không yêu cầu phải học nghề hoặc đào tạo.

2. Doanh nghiệp phải trả lương ít nhất cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng

Điểm b, khoản 1, Điều 5, Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2015 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng thì tiền lương trả cho người lao động đã học nghề: "Cao hơn ít nhất 7% so với mức tiền lương tối thiểu vùng đối với NGƯỜI LAO ĐỘNG đã qua học nghề theo quy định tại khoản 2, Điều này".

Người lao động đã qua học nghề bao gồm các trường hợp sau (Khoản 2, Điều 5, Nghị định 122/2015/NĐ-CP):

a) Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;

b) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;

c) Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề; 

d) Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm; 

đ) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp; 

e) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học; 

g) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài; 

h) Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.

Nếu áp dụng quy định này, người lao động đã qua học nghề thì mặc định được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng mà không quan tâm đến vị trí công việc doanh nghiệp yêu cầu như thế nào. Đối chiếu với quy định này thì người lao động đã tốt nghiệp Đại học mà làm công nhân thì tiền lương doanh nghiệp phải trả ít nhất cao hơn mức lương tối thiểu vùng là 7%.

Như vậy, việc doanh nghiệp áp dụng 1 trong 2 Nghị định trên đều không sai. Khi cơ quan Nhà nước kiểm tra thì phải trích dẫn được cơ sở pháp lý thì sẽ không lo bị xử lý.

Nếu doanh nghiệp vẫn muốn trả mức lương của người tốt nghiệp Đại học bằng mức lương của lao động phổ thông thì nên thể hiện trên văn bản chính thức (Hợp đồng lao động hoặc các văn bản tương đương) rằng người lao động đó là lao động phổ thông.

Ngoài ra, khi trả lương doanh nghiệp cần phải quan tâm đến các quy định khác về điều kiện làm việc. Các quy định này đã quy định rõ trong nghị định 49/2013/NĐ-CP.

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?

Sưu tầm
Ảnh sưu tầm
Thi đỗ Đại học là niềm mơ ước của hầu hết học sinh phổ thông, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Các bạn Học sinh, các bậc phụ huynh gần như tuyệt đối hóa việc vào Đại học, trong tư tưởng mọi người đều nghĩ phải học Đại học thì sau này mới có được công việc ổn định, mới được mọi người tôn trọng. Tuy nhiên, thực tế thì Đại học không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công, có rất nhiều lựa chọn để đi đến thành công.

Trong những năm gần đây, các trường Đại học mọc ra ngày càng nhiều, đào tạo một cách tràn lan dẫn đến cung nguồn nhân lực chất lượng cao vượt quá cầu lao động, chính vì vậy số lượng người có trình độ Đại học, Cao đẳng thất nghiệp ngày càng nhiều.

Tổng lực lượng lao động nước ta hiện nay là 53,7 triệu người, trong đó có 47,4 triệu người trong độ tuổi lao động. Với quy mô như vậy, vấn đề giải quyết việc làm là thách thức lớn cho toàn xã hội.

Tính đến hết quý I năm 2014, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó đáng chú ý là số lượng người thuộc nhóm lao động có trình độ cao khá lớn: Có hơn 160.000 người có trình độ Đại học trở lên bị thất nghiệp; hơn 79.000 người có trình độ Cao đẳng bị thất nghiệp. 

Trong khi tỷ lệ người thất nghiệp có trình độ Đại học, cao đẳng ngày càng gia tăng thì chúng ta lại thiếu trầm trọng đội ngũ lao động lành nghề. Việc “thừa thầy thiếu thợ” đã cản trở sự phát triển của đất nước.

Trong nhiều năm qua, cơ cấu đào tạo của nước ta bất hợp lý dẫn đến cơ cấu nguồn nhân lực cũng bất hợp lý. Tỷ lệ ĐH/THCN/CNKT ở nước ta là 1/2,5/7,1 (năm 1979); 1/1,6/2,3 (năm 1989); 1/0,83/0,6 (trong những năm 1990-1995); năm 2004 là 1/1,16/0,92; đến năm 2012 tỷ lệ này là 1/0,43/0,56.  

Trong khi đó ở các nước trên thế giới, tùy vào giai đoạn phát triển của khoa  học kỹ thuật người ta bố trí tỷ lệ này như sau:

-  Khu vực dịch vụ, tỷ lệ: ĐH/ TCCN/ nhân viên = 1/4/10.
- Khu vực công nghiệp, tỷ lệ: ĐH/ TCCN/ CNKT:
+ Ở giai đoạn cơ khí hóa: 1 kỹ sư + 4 trung cấp + 60 công nhân kỹ thuật lành nghề + 20 công nhân bán lành nghề và 15 lao động phổ thông.
+ Ở giai đoạn thiết bị tự động hóa một phần trong từng khu vực, cơ cấu nhân lực được bố trí là: 1 cán bộ nghiên cứu + 17 kỹ sư + 21 kỹ thuật viên + 60 công nhân lành nghề + 11 công nhân bán lành nghề, không có lao động phổ thông.
+ Ở giai đoạn tự động hóa toàn bộ mang hệ thống chương trình và công nghệ thông tin phát triển thì cơ cấu nhân lực được bố trí theo hình tháp cụt: 4 cán bộ nghiên cứu + 25 kỹ sư + 50 kỹ thuật viên + 21 công nhân lành nghề.

Các nhà khoa học cho rằng: Nhìn chung trong suốt các giai đoạn tiến bộ kỹ thuật, lực lượng nòng cốt của nền sản xuất công nghiệp bao giờ cũng vẫn là công nhân lành nghề, chỉ khi nào bước sang nền kinh tế hậu công nghiệp (kinh tế tri thức) thì những người công nhân lành nghề ấy chuyển hóa dần thành kỹ thuật viên trung cấp và kỹ sư.

Cụ thể hơn, ở Malaysia, tỷ lệ kỹ sư - cán bộ kỹ thuật - công nhân lành nghề ở Malaysia là 1 - 4 – 10; Ở Hàn Quốc trong những năm 1985 (giữa thời kỳ công nghiệp hóa của Hàn Quốc) cơ cấu này là 1/5/25.

Nhìn ở góc độ nhỏ hơn, như ở tập đoàn Samsung, khi đầu tư vào Việt Nam họ bố trí cứ 100 lao động thì có 4,5% kỹ sư , 16,7% trung cấp, 65,8% Công nhân kỹ thuật, 13,5% lao động phổ thông (nguồn Tổng cục dạy nghề).

Nhìn vào những số liệu đó và nhìn vào tình hình phát triển kinh tế của nước ta hiện nay, ta có thể thấy ngay được những bất hợp lý trong cơ cấu nguồn nhân lực của nước ta.

Phân tích như vậy để thấy được rằng, nước ta đang thừa những người có trình độ Đại học, cao đẳng và thiếu trầm trọng đội ngũ công nhân lành nghề. Các bạn học sinh có nhiều sự lựa chọn, thậm chí lựa chọn tốt hơn nhiều so với việc học Đại học.

Không vào được Đại học nhưng cơ hội của các bạn còn rất nhiều, nhiều cánh cửa khác đang chờ đón các bạn. Đừng buồn nếu bạn không thi đỗ Đại học, hãy chọn cho mình một nghề phù hợp để sau này có được công việc ổn định, nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trung Hiếu

(Bài viết sử dụng số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và trong bài viết "Cải cách cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa" của PGS.TS Đặng Duy Ánh - Viện nghiên cứu đào tạo và tư vấn khoa học).

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

MUỐN LÀM ĐẦY TỚ

Hai ông cháu nói chuyện với nhau:

- Học xong cháu muốn đi làm đầy tớ ông ạ! Làm đầy tớ cho càng nhiều người thu nhập càng cao…
- Tiên sư nhà mày, bố mẹ mày đầu tư cho mày bao nhiêu là tiền của để mày học hành thành người, thành ông nọ bà kia, giờ mày lại đòi đi làm đầy tớ? 
- Ông chưa biết rồi, đầy tớ sướng lắm, ông chủ mới khổ ông ạ 
- Sướng cái mả cha mày! 
- Ông không tin à? Ông chủ đi làm bục mặt ra lương được 3-4 triệu 1 tháng nhưng phải trả bọn đầy tớ đến hơn chục triệu một tháng, thế mà chúng nó còn kêu không đủ sống. 
- Ở đâu lại có chuyện lạ thế? 
- Chưa hết, ông mà sai nó việc gì phải nói ngon nói ngọt, không nói ngon nói ngọt thì nó đuổi về ngay, ông chủ đi ra đường mà chẳng may vi phạm luật giao thông thì nó tuýt lại nó phạt ngay vài trăm và lấy ngay tiền đấy đi uống bia, chơi bời. 
- Làm gì có chuyện đấy? 
- Thế chưa ăn thua, ông chủ trả lương cho nó rồi nhưng mà khi sai nó làm việc gì mà không dúi cho nó cái phong bì thì nó không làm hoặc ngâm cho vài tháng hoặc cho ông chủ đi lại đến mỏi chân thì thôi. 
- Sao lại có chuyện lạ đời thế được? 
- Ông chủ mà chẳng may có phạm pháp thì cứ pháp luật mà thực thi, có khi còn bị đè ra mà nhận tội, còn đày tớ mà nó phạm tội thì được giảm nhẹ vì đã có nhiều năm làm đầy tớ, ông chủ... 
- Mày im ngay đi, mày tưởng tao già rồi không biết gì nên mày lừa tao chứ gì? Từ đời cha sinh mẹ đẻ đến giờ có bao giờ đầy tớ lại sướng hơn ông chủ đâu? Mày mà không từ bỏ cái ý định đi làm đầy tớ đi thì cứ liệu hồn với tao, đừng có mà nhìn mặt tao nữa…

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

NỘI THẤT BẾP XINH: DOANH NGHIỆP ĂP CƯỚP MỒ HÔI, CÔNG SỨC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Công ty CP XD và Dịch vụ Bếp Xinh (Bếp Xinh) tọa lạc ngay trên con đường to tại Hà Nội (Số 364, Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội), là một trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ngành hàng nội thất, nhìn bề ngoài có vẻ Bếp Xinh là công ty hoành tráng, đàng hoàng nhưng thực chất, lợi nhuận của Bếp Xinh được lấy từ mồ hôi và công sức của người lao động. Bếp Xinh không những vi phạm nghiêm trọng các quy định của Pháp luật về Lao động, Bảo hiểm xã hội mà còn có hành động vô đạo đức là ăn cướp công sức, mồ hôi của người lao động. Trường hợp dưới đây là một trong những ví dụ điển hình trong việc vi phạm Pháp luật lao động và ăn cướp mồ hôi, công sức người lao động của Bếp Xinh.

Sử dụng lao động nhưng không ký kết hợp đồng lao động

Ông Trần Văn Toàn làm việc tại Bếp Xinh từ ngày 16 tháng 12 năm 2014 (Thời điểm gần tết Nguyên Đán 2015 đến sau Tết Nguyên Đán) tại vị trí Quản đốc xưởng Bếp Xinh. Sau hơn 3 tháng làm việc công ty không ký hợp đồng lao động với ông Toàn, không trả bất kỳ một đồng lương nào cho ông Toàn, đến ngày 20/03/2015, Ông Đào Xuân Anh ra thông báo (thông qua E-mail nội bộ) cho ông Toàn và một số nhân viên của công ty tạm nghỉ việc do tình hình công ty khó khăn cần cắt giảm nhân sự.

Việc Bếp Xinh không ký kết hợp đồng lao động khi sử dụng lao động là hoàn toàn trái với các quy định của Pháp luật về lao động. Cụ thể như sau:

Khoản 1, Điều 18, Bộ Luật lao động năm 2012 quy định: “Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.” 

Hình thức hợp đồng lao động có 2 hình thức: Giao kết hợp đồng bằng văn bản và Giao kết hợp đồng bằng lời nói. Trong 2 hình thức trên thì giao kết hợp đồng bằng lời nói chỉ có thể thực hiện đối với các công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các trường hợp khác phải giao kết bằng văn bản (Điều 16, Bộ Luật lao động năm 2012)

Trong trường hợp trên, ông Toàn đã làm cho Bếp Xinh từ ngày 16/12/2014 đến ngày 20/03/2015, tổng thời gian là 94 ngày (nhiều hơn 3 tháng), vị trí công việc là Quản đốc phân xưởng thì không thể là công việc tạm thời. Như vậy, Bếp Xinh không thể giao kết bằng lời nói đối với ông Toàn được.

Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 08 năm 2013 quy định: 

“1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;”

Với những phân tích trên, có thể thấy ngay rằng Bếp Xinh đã vi phạm quy định của Bộ Luật lao động 2012 và các văn bản của Chính phủ về sử dụng lao động

Ăn cướp mồ hôi, công sức của người lao động

Sai phạm của Bếp Xinh không chỉ là việc sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản mà nghiêm trọng hơn, Bếp Xinh còn có hành vi trái ngược với đạo lý dân tộc, trái ngược với quy định của Pháp luật.

Trong suốt thời gian làm việc tại Bếp Xinh, Ông Trần Văn Toàn không nhận được bất kỳ đồng lương nào từ Bếp Xinh, Ông Toàn yêu cầu phía Bếp Xinh thanh toán tiền lương trước khi về nghỉ Tết Nguyên Đán nhưng Bếp Xinh mà cụ thể là ông Đào Xuân Anh - Giám đốc Bếp Xinh khất lần không thanh toán, Ông Toàn phải về quê ăn tết với hai bàn tay trắng.

Không chỉ không thanh toán lương trong thời gian người lao động làm việc, Bếp Xinh còn có hành vi quỵt lương của người lao động khi họ nghỉ việc. 

Sau Tết Nguyên Đán, Ông Toàn tiếp tục làm việc tại Bếp Xinh, sau nhiều lần yêu cầu thanh toán tiền lương, Bếp Xinh vẫn không thanh toán tiền lương cho ông Toàn. Ngày 20/03/2015 Ông Đào Xuân Anh thông báo (thông qua E-mail nội bộ) cho ông Toàn và một số nhân viên của công ty tạm nghỉ việc do tình hình công ty khó khăn cần cắt giảm nhân sự.

Việc Bếp Xinh tự ý cho người lao động nghỉ việc đã là sai phạm rồi nhưng sai phạm nghiêm trọng hơn đó là Bếp Xinh không thanh toán tiền lương cho ông Toàn, mặc dù ông Toàn đã bàn giao đầy đủ công việc theo yêu cầu từ phía Bếp Xinh.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 47, Bộ Luật lao động "Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày".

Đối chiếu với quy định trên, muộn nhất sau 7 ngày làm việc kể từ ngày ông Toàn nghỉ việc, tức ngày 28/03/2015 Bếp Xinh phải thanh toán đầy đủ tiền lương đối với ông Toàn, cho dù Bếp Xinh có cố tình lấy lý do suy thoái kinh tế theo Điều 13 của Nghị định 05 (thực tế Bếp Xinh không gặp khó khăn về kinh tế) thì Bếp Xinh cũng chỉ được kéo dài tối đa 30 ngày làm việc. Tuy nhiên, Bếp Xinh đã không thực hiện đúng mà còn dã tâm ăn cướp công sức và mồ hôi của ông Toàn để tăng lợi nhuận cho mình.

Từ ngày 20/03/2015 đến ngày 13/05/2015 ông Toàn đã đến Bếp Xinh rất nhiều lần để thanh toán lương thì đều được Phòng kế toán của Bếp Xinh và Ông Đào Xuân Anh trả lời chưa thanh toán được. Sau đó ông Đào Xuân Anh và Phòng kế toán Bếp Xinh chuyển cho ông Toàn bảng thanh toán lương của hơn 3 tháng với số tiền là 28.677.000 đồng (Hai mươi tám triệu sáu trăm bảy mươi bảy nghìn đồng) và ký Giấy cam kết thanh toán lương cho ông Toàn.

Cam kết thanh toán lương Bếp Xinh gửi cho Ông Trần Văn Toàn

Giấy cam kết thanh toán lương Bếp Xinh ký với ông Toàn với nội dung chính là Bếp Xinh sẽ thanh toán số tiền trên cho ông Toàn thành 4 đợt, mỗi tháng 1 đợt, tính từ ngày 13/05/2015. Tuy nhiên, Bếp Xinh đã không thực hiện như đúng cam kết đã ký với ông Toàn, ông Toàn đã gọi điện nhiều lần để yêu cầu thanh toán lương nhưng Bếp Xinh vẫn không thanh toán lương cho ông Toàn.

Ngày 13/10/2015 ông Toàn đã gửi Giấy yêu cầu thanh toán tiền lương theo cam kết tới ông Đào Xuân Anh – Giám đốc Bếp Xinh, phân tích rõ những sai phạm mà Bếp Xinh đã vi phạm trong lĩnh vực lao động và yêu cầu Bếp Xinh thanh toán toàn bộ số tiền lương công ty đã cam kết đối với ông Toàn trước ngày 31/10/2015, nhưng Bếp Xinh vẫn không thanh toán cũng như có bất cứ phản hồi nào với ông Toàn.

Ngày 02/11/2015, Ông Toàn gửi Giấy đề nghị thanh toán tiền lương lần thứ 2 đến Bếp Xinh và yêu cầu thanh toán tiền lương cho mình trước ngày 13/11/2015, nhưng ông Toàn vẫn không nhận được bất cứ đồng lương nào cũng như phản hồi từ phía Bếp Xinh.

Phớt lờ yêu cầu của cơ quan nhà nước

Trước hành vi trái pháp luật của Bếp Xinh, Ông Toàn đã làm đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội và Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội để giúp đỡ.

Thực hiện hướng dẫn của Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, ngày 01/12/2015, ông Toàn đã gửi đơn khiếu nại đến Ông Đào Xuân Anh - Giám đốc Bếp Xinh đề nghị giải quyết nhưng đến nay (14/01/2016) Công ty Bếp Xinh vẫn không thanh toán tiền lương và các khoản liên quan theo quy định của pháp luật cho ông Toàn và không có bất cứ phản hồi nào.

Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu Bếp Xinh thanh toán toàn bộ tiền lương của ông Toàn, tuy nhiên, Bếp Xinh vẫn chây ì và phớt lờ công văn của Thanh tra Sở lao động - Thương binh và Xã hội gửi yêu cầu giải quyết khiếu nại của Ông Toàn.

Ông Toàn tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần 2 và đơn tố cáo hành vi sai phạm của Bếp Xinh tới Thanh tra sở lao động thành phố Hà Nội để giải quyết. Hiện nay, vụ việc đang được Thanh tra Sở lao động giải quyết. Đến nay, ông Toàn vẫn đang tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội giải quyết và xử lý những sai phạm của Bếp Xinh.

Không chỉ vi phạm với một mình ông Toàn, Bếp Xinh còn quỵt lương của hàng chục lao động với số tiền trung bình mỗi người từ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, những người khác do không có đầy đủ bằng chứng nên đành ngậm ngùi để Bếp Xinh cướp mồ hôi, công sức của mình.

Tôi thiết nghĩ, người lao động là người trực tiếp tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài cần phải tôn trọng người lao động chứ không nên đối xử với người lao động theo kiểu cướp công sức, cướp mồ hôi của người lao động như Bếp Xinh đã làm.

Một doanh nghiệp tồn tại cần phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ các quy định của Nhà nước và không làm trái với đạo lý dân tộc. Xây dựng một thương hiệu không thể dựa trên việc cướp đoạt sức lao động, mồ hôi của người lao động. Hành vi của Bếp Xinh là trái ngược hoàn toàn với đạo lý dân tộc, với quy định pháp luật. Nếu cứ tiếp tục có những hành vi như vậy, Bếp Xinh sẽ khó tồn tại được.