Translate

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Ý NGHĨA 60+ LÀ ĐÂU?

Ảnh: Sưu tầm
Truyền hình trực tiếp chương trình 60+ (giờ trái đất) để hưởng ứng chương trình Giờ trái đất do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) phát động có hiệu quả không? Có đúng với bản chất của nó không?


Chương trình 60+ được thực hiện tại Quảng trường Cách Mạng Tháng 8, trước Nhà Hát lớn Hà Nội vào đúng khung giờ mà người ta đang vận động người dân tắt bóng điện và các thiết bị điện không cần thiết để bảo vệ môi trường. Mình tự hỏi, người ta lấy điện ở đâu ra để thực hiện chương trình này trong khi những người dẫn chương trình đang cầm Micro vận động người dân tắt các thiết bị điện? Như vậy chính những người đi vận động đã không hưởng ứng thì còn ai hưởng ứng theo? Phải chăng điện dùng để thực hiện chương trình này là "điện cần thiết" không thể tắt bỏ được?


Chương trình 60+ lại được TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP trên kênh VTV1 - một trong những kênh được phủ sóng rộng rãi nhất Việt Nam, lại được phát sóng đúng vào khung giờ 60+, mình lại tự hỏi: Chương trình này phát sóng cho ai xem nếu như tất cả người dân đều hưởng ứng 60+ và tắt hết các thiết bị điện không cần thiết nhỉ? Phải chăng Tivi là thiết bị "cần thiết" không thể tắt bỏ?

Thực tế là rất nhiều người (trong đó có mình) rất thích chương trình này và rất thích cách vận động của những người làm chương trình này, mà đã thích nội dung, thích cách làm thì không thể không xem được. Thế nên mình coi Tivi là thiết bị "cần thiết" không thể tắt đi được, mà đã xem Tivi thì phải bật điện để xem rồi vì xem Tivi mà không bật đèn điện sẽ có hại cho mắt nên cũng không thể tắt bóng điện đi được. 

Vì thích chương trình truyền hình trực tiếp 60+ nên mình chẳng tắt được cái gì! Một dấu hỏi cho dành cho hiệu quả của chương trình???

Thêm nữa, trên các trang báo đưa nhiều những hình ảnh người dân, nhà hàng thắp nến để thay cho bóng điện trong thời gian "Giờ trái đất", (năm nay việc này ít hơn các năm trước tuy nhiên vẫn có) hành động này là tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường hay là hành động hủy hoại môi trường?

Thắp nến để tiết kiệm điện ư? Cũng đúng đấy nếu chỉ xét trên mặt tiết kiệm điện thôi nhưng nếu tính chi phí xem nếu như tất cả người dân đều hưởng ứng và thắp nến thay vì thắp đèn điện thì nó sẽ khác đấy.

Giả sử cứ 5 người thắp một cây nến và giá một cây nến khoảng 2.500đ/cây thắp hết trong 1 giờ thì nước mình có khoảng 87 triệu dân sẽ cần dùng đến xấp xỉ 17,4 triệu cây nến chi phí phải bỏ ra để mua số nến này khoảng 43,5 tỷ đồng.

Trong khi nếu cứ 5 người dân thắp 1 bóng đèn điện có công suất khoảng 60w thì liệu có hết 43,5 tỷ đồng trong 1 giờ không?

Lượng khí thải của việc thắp 1 cây nến so với thắp 1 bóng đèn điện thì cái nào cao hơn? Chưa có số liệu thống kê nhưng mình cam đoan là việc thắp nến sẽ thải ra lượng khí thải cao gấp nhiều lần so với thắp một bóng đèn.

Với mức chi phí đó thì nên chọn cách nào? Thắp điện hay thắp nến? Một dấu hỏi nữa cho việc tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường???

Bản chất của chương trình là hết sức tốt đẹp nhưng cách thức vận động, cách thức hành động thì có vẻ như là hơi ngược!

CÓ NÊN ĐUỔI VIỆC NGƯỜI ĐI CHƠI?


Ngày hôm qua, trên các trang báo đưa tin ông Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình đi "Vi hành" để kiểm tra việc cán bộ bỏ công sở ra ngoài uống cà phê, một số cán bộ đã bị ông bắt quả tang khi đang uống cà phê. Bình luận về vấn đề này, có một số ý kiến cho rằng nên đuổi việc những cán bộ "ăn cắp" thời gian của nhà nước.


Mình không ủng hộ việc cán bộ, công chức (sau đây gọi chung là người lao động - NLĐ) bỏ công sở để ra ngoài uống cà phê nhưng nếu chỉ căn cứ vào việc này mà đuổi việc NLĐ thì mình không đồng tình cho lắm. Tổ chức nên gắn với hiệu quả thực hiện công việc để có cách xử lý phù hợp chứ không nên cứ thấy NLĐ bỏ ra ngoài là đuổi việc.

Nếu gắn với hiệu quả thực hiện công việc thì có thể chia làm hai trường hợp: NLĐ bỏ ra ngoài chơi và không hoàn thành công việc; NLĐ bỏ ra ngoài chơi nhưng vẫn hoàn thành công việc. Trong mỗi trường hợp này nên đưa ra các hình thức xử lý khác nhau.

Nếu NLĐ bỏ ra ngoài mà công việc không hoàn thành thì đây chính xác là hành động ăn cắp thời gian của nhà nước, ăn cắp thời gian của tổ chứ, phải xử lý đến nơi đến chốn.

Còn trường hợp NLĐ bỏ ra ngoài nhưng vẫn hoàn thành công việc mà lại đuổi việc thì không hợp lý lắm. Người ta đi chơi nhưng vẫn hoàn thành công việc thì đâu có gì là nghiêm trọng. Trong trường hợp này tổ chức cần đánh giá xem người này có năng suất lao động cao hay khối lượng công việc được giao của người ta quá ít? 

Nếu khối lượng công việc được giao theo đúng định mức mà người ta hoàn thành và vẫn đi chơi được thì chứng tỏ người này có năng suất lao động cao. Người bình thường phải làm mất 8 tiếng nhưng người ta chỉ làm mất có 6 tiếng thậm chí chỉ mất 4 tiếng thì thời gian còn lại người ta chẳng đi chơi thì làm gì? Có bắt người ta ở lại trong công sở thì người ta cũng chỉ chơi chứ còn làm gì? Gượng ép như vậy tổ chức cũng chẳng được gì thậm chí còn tốn thêm tiền điện nếu người ta ngồi chơi game, mà người lao động cũng cảm thấy không được thoải mái. Nếu muốn NLĐ bớt đi chơi thì tổ chức nên giao cho người ta thêm một số công việc khác nữa để người ta làm chứ không nên đuổi việc, nếu đuổi những người như vậy thì tổ chức đã bỏ đi cơ hội sử dụng NLĐ giỏi.

Nếu khối lượng công việc giao cho người ta quá ít thì tổ chức nên xem xét giao cho NLĐ thêm công việc để người ta làm, như thế vừa tăng hiệu quả thực hiện công việc của tổ chức, tinh giản được biên chế mà NLĐ lại bớt được sự nhàm chán trong công việc. Được giao công việc phù hợp với năng lực tự nhiên NLĐ sẽ bớt đi chơi ngay.

Trong bối cảnh hiện nay các tổ chức xây dựng hệ thống định mức lao động phù hợp để quản lý NLĐ theo khối lượng công việc và đánh giá NLĐ dựa trên năng suất lao động chứ không nên cứng nhắc bắt người lao động cứ nhất nhất phải làm việc 8 tiếng/ ngày.

CƠ SỞ CỦA HIỆN TƯỢNG "PHI CÔNG TRẺ LÁI MÁY BAY BÀ GIÀ"

Gần đây, người ta hay nói về chuyện "Phi công trẻ" và "máy bay bà già", đây là chủ đề được nhiều người quan tâm. Đọc nhiều nó cũng nhiễm tí vào đầu nên viết vài dòng về xu hướng này.

Theo truyền thống xưa nay, con trai thường lấy vợ kém tuổi mình và con gái lấy người hơn tuổi. Càng ngày, độ chênh lệch tuổi giữa vợ và chồng càng được nới thêm, con gái thường lấy chồng hơn vài tuổi, có khi đến hơn chục tuổi. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đi ngược với xu hướng là con trai lại lấy vợ hơn tuổi mà người ta hay gọi là "Phi công trẻ lái máy bay bà già", nghe thì có vẻ ngược nhưng nếu xét trên góc độ tuổi thọ thì đây lại là điều hợp lý. Những phân tích dưới đây sẽ chứng minh cho sự hợp lý ấy.

Theo số liệu thống kê sức khoẻ thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 72, trong đó nữ là 75 tuổi và nam là 70 tuổi.

Theo "Toàn cảnh Dân số thế giới, 2008" của Liên hợp quốc, vào năm 2050, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam sẽ là 80,4 trong đó nữ là 82,5 tuổi, nam là 78,2 tuổi.

Như vậy, hiện nay tuổi thọ của nữ cao hơn nam 5 tuổi, đến năm 2050 nữ vẫn cao hơn nam 4,3 tuổi. Không tính các trường hợp cá biệt, nếu hai vợ chồng bằng tuổi nhau thì các cụ ông sẽ "ra đi" trước các cụ bà khoảng vài năm, nếu cụ ông lại hơn các cụ bà khoảng 5-10 tuổi thì cụ ông sẽ "ra đi" trước các cụ bà khoảng 10-15 năm (tính theo tuổi thọ trung bình hiện nay).

Trong các đám cưới người ta hay chúc những tân lang, tân nương sống với nhau đến "Đầu bạc răng long" nhưng nếu xu hướng truyền thống (trai lấy vợ kém tuổi) vẫn được duy trì thì lời chúc "đầu bạc, răng long" hơi khó thành hiện thực. Nếu muốn được sống với nhau đến "đầu bạc răng long" thì con gái nên lấy chồng trẻ hơn đến vài tuổi.

Nếu như tất cả con gái đều lấy chồng hơn tuổi thì trong vòng vài chục năm tới, Việt Nam sẽ xuất hiện một số lượng góa phụ vô cùng lớn. Mình chưa hình dung ra được xã hội mà có tỷ lệ góa phụ cao thì nó sẽ như thế nào? Không biết đây là lợi thế hay khó khăn nữa. Thôi thì cứ để "hồi sau sẽ rõ" vậy!

Như vậy, có thể khẳng định rằng, nếu xét ở khía cạnh tuổi thọ thì hiện tượng "Phi công trẻ lái máy bay bà già" là hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên và có cơ sở khoa học. Cá nhân tôi không phản đối cũng như không ủng hộ xu hướng này, tuy nhiên, cũng mong xã hội có cái nhìn khách quan hơn với hiện tượng này.

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

ĐỐI TƯỢNG TẠO VIỆC LÀM Ở NÔNG THÔN

Ảnh: Sưu tầm
Tạo việc làm cho lao động nông thôn là điều hết sức cần thiết trong điều kiện nước ta hiện nay. Lao động nông thôn có đặc điểm là lao động thời vụ, thừa lao động nhưng lại thiếu. Khi đến vụ thì cần một lượng lớn lao động nhưng khi hết vụ thì lượng lao động này lại không có việc làm nên công tác tạo việc làm gặp một số khó khăn nhất định. Chính vì vậy việc phân chia các đối tượng trong lao động nông thôn để có những chính sách tạo việc làm là rất cần thiết.



Ruộng là một trong những tư liệu hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy trong bài viết này tôi lấy ruộng là tiêu chí đê phân chia các thành các nhóm lao động nông thôn. Theo tiêu chí này thì có thể chia thành 3 nhóm chủ yếu: Lao động có ruộng; Lao động không có ruộng và Lao động bị mất ruộng.

LAO ĐỘNG CÓ RUỘNG: Là những người lao động được chia ruộng theo Luật đất đai năm 1993. Theo quỹ đất của từng xã, thôn mà mỗi lao động được chia từ 1-3 sào (1 sào bằng 360m2). Đây là những người sinh trước thời điểm ban hành luật đất đai năm 1993.

Đây là nhóm lao động có việc làm nhưng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động còn thấp, nhóm này rất cần việc làm trong những lúc nông nhàn. Theo kết quả khảo sát tại tại một loạt các hộ gia đình nông dân ở một số địa phương cho thấy: ở Vĩnh Tường, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thời kỳ nông nhàn chiếm gần 60%, ở Chương Mỹ (Hà Nội) chiếm 52%, ở Sóc Sơn (Hà Nội) chiếm 55,4%, Đô Lương (Nghệ An) chiếm 51,7%, Hướng Hóa (Quảng Trị) chiếm 62% .... Theo kết quả khảo sát trên thì tỷ lệ sử dụng thời gian là rất thấp, khoảng 50-60% thời gian lao động trong một năm, đây là tỷ lệ rất thấp so với những lao động làm việc trong các ngành nghề khác và so với nhu cầu của người lao động.

Việc tạo việc làm cho đối tượng này lại gặp phải một số khó khăn do người lao động chỉ làm được trong lúc nông nhàn, khi đên vụ lại phải trở về làm ruộng, thời gian làm ruộng lại không tập trung mà rải rắc ở các thời điểm trong năm nên cần phải có chính sách tạo việc làm đặc thù để vừa đảm bảo được việc làm trong nông nghiệp lẫn việc mới được tạo.

LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ RUỘNG: Là lao động sinh sau năm 1993 (sau thời điểm luật đất đai được áp dụng) mà không được thừa kế ruộng của bất kỳ ai. Nhóm đối tượng này xuất hiện do chính sách giao đất ổn định cho người dân trong 20 năm (đối với đất trồng cây hàng năm), theo đó nhà nước sẽ sử dụng quỹ đất hiện có để chia cho toàn bộ người dân ở thời điểm chia ruộng (năm 1993) nên những người sinh sau thời điểm chia lại ruộng sẽ không được chia ruộng. Một phần nữa là do tập tục ở quê là chỉ cho con trưởng thừa kế đất ruộng để hương hỏa các cụ nên những người sinh sau năm 1993 không phải là con trưởng trong gia đình sẽ không có ruộng. Trong dự thảo luật đất đai 2012 thì ruộng sẽ tiếp tục được giao cho người dân lâu hơn 20 năm (50 năm) nên nhóm đối tượng này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Hiện nay tồn tại một nghịch lý ở nông thôn là người sống thì không có đất còn người chết thì lại có đất nên dẫn đến hiện tượng "Người sống phải đi làm thuê cho người chết", hiện tượng này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, đến năm 2007 (thời điểm 1 năm sau số người sinh năm 1993 sẽ được bổ sung vào LLLĐ), dân số trong nhóm tuổi từ 10-14 ở nông thôn là 6,500,759 người, như vậy đến nay (2013) lực lượng này đã và đang bổ sung vào lực lượng lao động (có thể là một phần hoặc toàn bộ). Đây là thách thức rất lớn cho công tác tạo việc làm cho lao động nông thôn.

LAO ĐỘNG BỊ MẤT ĐẤT: Đây là nhóm đối tượng xuất hiện trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhóm đối tượng này được tăng lên theo từng năm.

Khi bị thu hồi đất, những người bị mất đất được bồi thường và hỗ trợ về kinh phí để học nghề nhưng rất ít người sử dụng đúng số tiền đó vào mục đích học nghề, tạo việc làm cho mình mà lại sử dụng để xây nhà, mua xe...nên một số lượng lớn rơi vào tình trạng thất nghiệp. 

Ở một số nơi khi bị thu hồi đất, người lao động được ưu tiên nhận vào làm việc tại chính doanh nghiệp đóng trên diện tích đất của mình nhưng do trình độ không đáp ứng được, hoặc chưa quen với công việc nên phải nghỉ, hoặc có những trường hợp do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất nên bị mất việc. Hiện nay cũng tồn tại việc một số doanh nghiệp ở các KCN không tuyển lao động bản địa do những thanh niên ở đây khi được tuyển vào thường xuyên gây gổ đánh nhau gây mất trật tự, an ninh trong công ty, nên tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này ngày càng tăng. Những lao động này là đối tượng hết sức cần phải tạo việc làm vì đi cùng với đô thị hóa là rất nhiều các vấn đề xã hội phát sinh, nếu không có việc làm ổn định những đối tượng này rất dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Việc chia nhóm đối tượng trong lao động nông thôn là cần thiết, căn cứ vào đó để những nhà hoạch định chính sách hiểu được mức độ cần thiết của tạo việc làm cho từng đối tượng để có thể đề ra những chính sách phù hợp với từng nhóm lao động.

CÁI SAI KHI CHỌN MẪU

Ảnh: Sưu tầm
Mình về quê, có khoảng chục người hỏi giờ làm ở đâu, mình nói dối là làm ở cơ quan nhà nước (nói thế cho oai tí). Với câu trả lời như thế mình nhận được những câu nói như thế này: Mày xin vào đấy mất bao nhiêu tiền? (có 6 người hỏi như vậy); Giỏi thì chỗ nào chẳng nhận (1 người); Mày quen ai ở đấy? (3 người). Mình nghe thấy lạ quá, chỉ cười trừ, không hiểu tại sao người ta lại nói với mình như thế? Cố suy luận để lý giải vấn đề này.


Câu nói: "GIỎI THÌ CHỖ NÀO CHẲNG NHẬN" thì đúng rồi, chẳng có gì bàn cãi rồi, lâu nay người ta vẫn rất coi trọng người tài, nhất là ở quê thì những người được học hành nhiều được mọi người rất quý, chỉ có điều có ít người nói như vậy quá.

Câu hỏi: "MÀY CHẠY VÀO ĐẤY MẤT BAO NHIÊU TIỀN?" thì lạ lắm, lạ vô cùng. Tại sao những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn lại có những suy nghĩ như vậy nhỉ? Phải chăng giờ cứ xin vào cơ quan nhà nước là phải mất tiền? Không phải, rõ ràng một đoàn cán bộ thanh tra của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ Hà Nội thanh tra đã khẳng định là không có chuyện nhận tiền trong thi công chức mà. Một ông Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội làm sao bằng được cả một đoàn thành tra của Bộ, của Sở được; Mấy ông nông dân thì làm có biết gì về thanh tra, kiểm tra đâu mà lại nói thế. Lạ quá, vậy thì vì sao nhỉ? À, hay là do người nông dân bây giờ cứ động xin ai cái gì, nhờ ai cái gì là phải tiền nhỉ? Nghĩ đi nghĩ lại thì vẫn thấy không đúng, người nông dân trọng tình trọng nghĩa lắm, làm gì có chuyện động cái là tiền được. Vậy những câu hỏi như này là không có cơ sở rồi, người ta cố tình hỏi đểu mình thôi.

Thế còn câu hỏi: "MÀY QUEN AI Ở ĐÂY?" thì sao? Câu này nghe rất hợp lý, so với kết luận của đoàn thanh tra Bộ Nội vụ và Sở nội vụ Hà Nội kết luận thì chuẩn không cần chỉnh. Chỉ có chuyện quen người ta mới xin cho thôi chứ làm gì có chuyện tiền nong gì. Đúng quá đi thôi, ý của dân và ý của cán bộ trùng nhau là một điều hết sức tốt đẹp.

Nếu như coi đây là một cuộc điều chọn mẫu xã hội học với kích thước mẫu là 10 thì kết quả thu được là thế này: Có 60% người dân nói là xin vào cơ quan nhà nước mất tiền; 10% nói là vào được là do năng lực thực sự; 30% cho rằng do quen biết. Nếu người nào đó sử dụng kết quả này để làm tài liệu phân tích thì sai bét, kết quả trái ngược với thực tế. Bởi vì sao nó sai? Có lẽ sai là do kích thước mẫu quá bé, 10 người so với gần 6 triệu dân của Hà Nội là quá nhỏ, so với khoảng 87-88 triệu dân của nước mình thì nhỏ vô cùng. Kinh nghiệm là không nên chọn mẫu quá nhỏ, nếu chọn mẫu quá nhỏ mà lại đem kết quả thu được đi phân tích và kết luận là "60% người dân Việt Nam cho rằng xin việc vào cơ quan nhà nước phả mất tiền" thì sai vô cùng.