Ảnh: Sưu tầm |
Mình về quê, có khoảng chục người hỏi giờ làm ở đâu, mình nói dối là làm ở cơ quan nhà nước (nói thế cho oai tí). Với câu trả lời như thế mình nhận được những câu nói như thế này: Mày xin vào đấy mất bao nhiêu tiền? (có 6 người hỏi như vậy); Giỏi thì chỗ nào chẳng nhận (1 người); Mày quen ai ở đấy? (3 người). Mình nghe thấy lạ quá, chỉ cười trừ, không hiểu tại sao người ta lại nói với mình như thế? Cố suy luận để lý giải vấn đề này.
Câu nói: "GIỎI THÌ CHỖ NÀO CHẲNG NHẬN" thì đúng rồi, chẳng có gì bàn cãi rồi, lâu nay người ta vẫn rất coi trọng người tài, nhất là ở quê thì những người được học hành nhiều được mọi người rất quý, chỉ có điều có ít người nói như vậy quá.
Câu hỏi: "MÀY CHẠY VÀO ĐẤY MẤT BAO NHIÊU TIỀN?" thì lạ lắm, lạ vô cùng. Tại sao những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn lại có những suy nghĩ như vậy nhỉ? Phải chăng giờ cứ xin vào cơ quan nhà nước là phải mất tiền? Không phải, rõ ràng một đoàn cán bộ thanh tra của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ Hà Nội thanh tra đã khẳng định là không có chuyện nhận tiền trong thi công chức mà. Một ông Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội làm sao bằng được cả một đoàn thành tra của Bộ, của Sở được; Mấy ông nông dân thì làm có biết gì về thanh tra, kiểm tra đâu mà lại nói thế. Lạ quá, vậy thì vì sao nhỉ? À, hay là do người nông dân bây giờ cứ động xin ai cái gì, nhờ ai cái gì là phải tiền nhỉ? Nghĩ đi nghĩ lại thì vẫn thấy không đúng, người nông dân trọng tình trọng nghĩa lắm, làm gì có chuyện động cái là tiền được. Vậy những câu hỏi như này là không có cơ sở rồi, người ta cố tình hỏi đểu mình thôi.
Thế còn câu hỏi: "MÀY QUEN AI Ở ĐÂY?" thì sao? Câu này nghe rất hợp lý, so với kết luận của đoàn thanh tra Bộ Nội vụ và Sở nội vụ Hà Nội kết luận thì chuẩn không cần chỉnh. Chỉ có chuyện quen người ta mới xin cho thôi chứ làm gì có chuyện tiền nong gì. Đúng quá đi thôi, ý của dân và ý của cán bộ trùng nhau là một điều hết sức tốt đẹp.
Nếu như coi đây là một cuộc điều chọn mẫu xã hội học với kích thước mẫu là 10 thì kết quả thu được là thế này: Có 60% người dân nói là xin vào cơ quan nhà nước mất tiền; 10% nói là vào được là do năng lực thực sự; 30% cho rằng do quen biết. Nếu người nào đó sử dụng kết quả này để làm tài liệu phân tích thì sai bét, kết quả trái ngược với thực tế. Bởi vì sao nó sai? Có lẽ sai là do kích thước mẫu quá bé, 10 người so với gần 6 triệu dân của Hà Nội là quá nhỏ, so với khoảng 87-88 triệu dân của nước mình thì nhỏ vô cùng. Kinh nghiệm là không nên chọn mẫu quá nhỏ, nếu chọn mẫu quá nhỏ mà lại đem kết quả thu được đi phân tích và kết luận là "60% người dân Việt Nam cho rằng xin việc vào cơ quan nhà nước phả mất tiền" thì sai vô cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét