Translate

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

ĐỐI TƯỢNG TẠO VIỆC LÀM Ở NÔNG THÔN

Ảnh: Sưu tầm
Tạo việc làm cho lao động nông thôn là điều hết sức cần thiết trong điều kiện nước ta hiện nay. Lao động nông thôn có đặc điểm là lao động thời vụ, thừa lao động nhưng lại thiếu. Khi đến vụ thì cần một lượng lớn lao động nhưng khi hết vụ thì lượng lao động này lại không có việc làm nên công tác tạo việc làm gặp một số khó khăn nhất định. Chính vì vậy việc phân chia các đối tượng trong lao động nông thôn để có những chính sách tạo việc làm là rất cần thiết.



Ruộng là một trong những tư liệu hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy trong bài viết này tôi lấy ruộng là tiêu chí đê phân chia các thành các nhóm lao động nông thôn. Theo tiêu chí này thì có thể chia thành 3 nhóm chủ yếu: Lao động có ruộng; Lao động không có ruộng và Lao động bị mất ruộng.

LAO ĐỘNG CÓ RUỘNG: Là những người lao động được chia ruộng theo Luật đất đai năm 1993. Theo quỹ đất của từng xã, thôn mà mỗi lao động được chia từ 1-3 sào (1 sào bằng 360m2). Đây là những người sinh trước thời điểm ban hành luật đất đai năm 1993.

Đây là nhóm lao động có việc làm nhưng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động còn thấp, nhóm này rất cần việc làm trong những lúc nông nhàn. Theo kết quả khảo sát tại tại một loạt các hộ gia đình nông dân ở một số địa phương cho thấy: ở Vĩnh Tường, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thời kỳ nông nhàn chiếm gần 60%, ở Chương Mỹ (Hà Nội) chiếm 52%, ở Sóc Sơn (Hà Nội) chiếm 55,4%, Đô Lương (Nghệ An) chiếm 51,7%, Hướng Hóa (Quảng Trị) chiếm 62% .... Theo kết quả khảo sát trên thì tỷ lệ sử dụng thời gian là rất thấp, khoảng 50-60% thời gian lao động trong một năm, đây là tỷ lệ rất thấp so với những lao động làm việc trong các ngành nghề khác và so với nhu cầu của người lao động.

Việc tạo việc làm cho đối tượng này lại gặp phải một số khó khăn do người lao động chỉ làm được trong lúc nông nhàn, khi đên vụ lại phải trở về làm ruộng, thời gian làm ruộng lại không tập trung mà rải rắc ở các thời điểm trong năm nên cần phải có chính sách tạo việc làm đặc thù để vừa đảm bảo được việc làm trong nông nghiệp lẫn việc mới được tạo.

LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ RUỘNG: Là lao động sinh sau năm 1993 (sau thời điểm luật đất đai được áp dụng) mà không được thừa kế ruộng của bất kỳ ai. Nhóm đối tượng này xuất hiện do chính sách giao đất ổn định cho người dân trong 20 năm (đối với đất trồng cây hàng năm), theo đó nhà nước sẽ sử dụng quỹ đất hiện có để chia cho toàn bộ người dân ở thời điểm chia ruộng (năm 1993) nên những người sinh sau thời điểm chia lại ruộng sẽ không được chia ruộng. Một phần nữa là do tập tục ở quê là chỉ cho con trưởng thừa kế đất ruộng để hương hỏa các cụ nên những người sinh sau năm 1993 không phải là con trưởng trong gia đình sẽ không có ruộng. Trong dự thảo luật đất đai 2012 thì ruộng sẽ tiếp tục được giao cho người dân lâu hơn 20 năm (50 năm) nên nhóm đối tượng này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Hiện nay tồn tại một nghịch lý ở nông thôn là người sống thì không có đất còn người chết thì lại có đất nên dẫn đến hiện tượng "Người sống phải đi làm thuê cho người chết", hiện tượng này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, đến năm 2007 (thời điểm 1 năm sau số người sinh năm 1993 sẽ được bổ sung vào LLLĐ), dân số trong nhóm tuổi từ 10-14 ở nông thôn là 6,500,759 người, như vậy đến nay (2013) lực lượng này đã và đang bổ sung vào lực lượng lao động (có thể là một phần hoặc toàn bộ). Đây là thách thức rất lớn cho công tác tạo việc làm cho lao động nông thôn.

LAO ĐỘNG BỊ MẤT ĐẤT: Đây là nhóm đối tượng xuất hiện trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhóm đối tượng này được tăng lên theo từng năm.

Khi bị thu hồi đất, những người bị mất đất được bồi thường và hỗ trợ về kinh phí để học nghề nhưng rất ít người sử dụng đúng số tiền đó vào mục đích học nghề, tạo việc làm cho mình mà lại sử dụng để xây nhà, mua xe...nên một số lượng lớn rơi vào tình trạng thất nghiệp. 

Ở một số nơi khi bị thu hồi đất, người lao động được ưu tiên nhận vào làm việc tại chính doanh nghiệp đóng trên diện tích đất của mình nhưng do trình độ không đáp ứng được, hoặc chưa quen với công việc nên phải nghỉ, hoặc có những trường hợp do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất nên bị mất việc. Hiện nay cũng tồn tại việc một số doanh nghiệp ở các KCN không tuyển lao động bản địa do những thanh niên ở đây khi được tuyển vào thường xuyên gây gổ đánh nhau gây mất trật tự, an ninh trong công ty, nên tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này ngày càng tăng. Những lao động này là đối tượng hết sức cần phải tạo việc làm vì đi cùng với đô thị hóa là rất nhiều các vấn đề xã hội phát sinh, nếu không có việc làm ổn định những đối tượng này rất dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Việc chia nhóm đối tượng trong lao động nông thôn là cần thiết, căn cứ vào đó để những nhà hoạch định chính sách hiểu được mức độ cần thiết của tạo việc làm cho từng đối tượng để có thể đề ra những chính sách phù hợp với từng nhóm lao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét