Translate

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ!

Ảnh: Sưu tầm
Xin phép nhà văn Edmondo De Amicis vì đã lấy tên cuốn sách của ông để đặt tên cho tiêu đề này của tôi nhưng do không thể tìm kiếm được câu nào hay hơn nên đành phải dùng câu này để đặt tiêu đề cho hành động tôi kể dưới đây.

Vì trọng nghĩa, trọng tình mà bị kỷ luật, bị giáng chức, thuyên chuyển công tác,...một hành động thật cao đẹp, một tấm lòng cao cả. Đó là câu chuyện gần đây của một huyện thuộc thành phố Hà Nội.

Đọc trên báo chí tôi thấy rầm rộ tin tức về chuyện chạy biên chế mất không dưới 100 triệu nhưng sự thực thì không phải như vậy, đó chỉ là tin đồn thôi. Hôm nay mình ngồi đọc báo thấy mấy vị bị kỷ luật trả lời báo chí thì mình khẳng định chuyện đó xảy ra ở đâu ý, chắc ở sao Hỏa hay Sao Kim gì đó chứ không có ở Hà Nội.

Chuyện xin nâng điểm là có thật, nhưng chuyện mất "không dưới 100 triệu" để được vào biên chế là hoàn toàn không có. Các vị bị kỷ luật, bị giáng chức, bì thuyên chuyển là do đã nhờ nâng điểm nhưng các vị hoàn toàn không nhận một chút tiền nào, các vị nhờ là do chỗ thân quen thôi, người thì là con của chị bạn thân, người thì nhờ giúp con của thầy giáo cũ...Một hành động thật cao thượng, chắc hẳn các vị cũng phải có một tấm lòng cao cả mới làm được những việc cao thượng như vậy. Tấm lòng của các vị, hành động của các vị thật đáng kính biết bao!

Nếu tôi là các vị ấy thì sẽ không làm như vậy đâu. Phải mất bao nhiêu công học hành mới được vào biên chế, mất bao nhiêu năm phấn đấu mới có được cái biển "Phó trưởng phòng" và phải mất bao nhiêu năm mới bỏ được chữ "Phó" kia đi, vậy mà giờ chỉ vì một hành động không đáng giá một xu mà bao công sức bị đổ bể.

Nếu tôi là các vị thì tôi sẽ phải lấy không chỉ 100 đâu mà phải lấy vài trăm triệu cho xứng với hành động đó, cho bõ cái công phấn đấu, rèn luyện. Tại sao các vị lại dại dột đến mức không nhận tiền nhỉ? Cứ nhận đi, có sao đâu, có ai chụp ảnh, quay phim để ghi lại những khoảnh khắc ấy đâu mà sợ, và cũng chẳng có ai ghi hóa đơn, biên lai cho những hành động đó đâu mà sợ, và đương nhiên không ghi lại thì chẳng có Thanh tra nào, cảnh sát nào tìm ra được chứng cứ để mà kết tội cả. Và nhận để chẳng may có bị hạ cánh thì cũng có "sân bay" mà mà hạ chứ.

Nếu tôi là các vị thì tôi còn nhờ nhiều hơn thế, người quen, người thân...thì cứ nhờ hết, nhờ cho cái bọn mọt sách nó hết đường chen chân vào. Chúng nó kêu à? kệ chúng nó chứ; Chúng nó than à? Kệ chúng mày...ai bảo bố mẹ chúng mày sinh ra không có quyền, không có tiền, không có địa vị, ai bảo chúng mày không biết đường lộn vào nhà quan mà hưởng sung hưởng sướng...Các cụ đã có câu rồi "Con vua thì lại làm vua" chúng mày biết rồi còn cố mà chen chân vào làm gì.

Ôi thôi chết! Mải nói tôi lại hồ đồ quá rồi! Sao tôi lại có thể đem suy nghĩ của tôi - Suy nghĩ của con sâu, con mọt chỉ biết đục khoét của dân để so sánh với các vị chứ! Hổ thẹn quá! Hổ thẹn quá! Các vị mà đọc được những dòng này của tôi chắc các vị ghét tôi đến thậm tệ, những suy nghĩ của con sâu, con mọt như tôi làm sao sánh được với các vị!

Tôi tự thấy hổ thẹn quá trước những hành động thật cao thượng của các vị, trước những tấm lòng thật cao cả của các vị! Các vị là người có những tấm lòng cao cả!

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

HAI CÂU CHUYỆN VỀ PHÁT HIỆN NHÂN TÀI!

Ảnh: xaydungdang.org.vn
Đọc trên Wikipedia mình thấy câu chuyện thế này: "Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Việc bị phát giác, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ (ngày 7 tháng 9 âm lịch), rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên (21 tháng 1 âm lịch năm Nhâm Dần, 1842). Suốt thời gian dài bị giam cầm, ông thường bị nhục hình tra tấn. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội "trảm quyết" xuống tội "giảo giam hậu", tức được giam lại đợi lệnh."

Đây là hành động trái quy định nhưng người đời sau lại ca ngợi hành động này của Cao Bá Quát là hành động đẹp, hành động của ông xuất phát từ việc phát hiện nhân tài, vì người tài có thể hy sinh quyền lợi của bản thân.

171 năm sau, câu chuyện Cao Bá Quát sửa điểm lại lặp lại ở Hà Nội. 16 thí sinh được nâng điểm trong đợt thi công chức ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), có khá nhiều ông to bị xử lý kỷ luật, giáng chức, thuyên chuyển công tác.... Đọc những lời các ông trả lời trên báo chí tôi nghĩ thế này: Có lẽ là do các ông này đã phát hiện được nhân tài cho đất nước nên cố tình "nhờ" nâng điểm để không bị lãng phí nhân tài phục vụ cho đất nước. Như vậy là các ông đã dám hy sinh quyền lợi của mình để phát hiện nhân tài, tạo cơ hội cho người tài phát triển rồi. Hành động của các ông là hành động đẹp đấy chứ!

Liệu 100 năm nữa lịch sử có ngợi khen những ông này như đã từng ngợi khen Cao Bá Quát, Phan Nhạ không nhỉ?

CHUYỆN ĐI ĐƯỜNG

Ảnh: suckhoedoisong.vn
Trên đường đi làm về, thỉnh thoảng mình thử đi đằng sau một chiếc ô tô, sau vài lần thử mình nhận thấy thế này:

Đi sau ô tô thi đường sẽ rất rộng, nhất là ở những đoạn đường tắc thì cứ từ từ mà tiến theo ô tô thôi chẳng phải tranh đường với ai vì đã có ô tô đi trước dẹp đường rồi; Trời rét này đi sau ô tô thì cảm thấy ấm hơn vì được ô tô chắn gió cho...


Tuy nhiên, khi đi đằng sau ô tô thì mình không thể đi nhanh được vì cứ phải đợi khi nào ô tô tiến lên được thì mình mới đi được, đặc biệt khi ô tô bị tắc đường thì cứ đi đằng sau xe mãi mà hít khói; Đi đằng sau ô tô mình chẳng biết đằng trước có những gì vì chỉ nhìn thấy mỗi cái ô tô trước mặt, nếu muốn biết phía trước thế nào thì chỉ có nhìn qua gầm xe mới nhìn được một chút...

Sau vài lần như thế mình chẳng đi sau ô tô nữa, đi ra ngoài phải chen lấn một chút, lạnh một chút...nhưng được nhìn đường, chỗ nào không tắc thì cứ thế phi chẳng phải chờ đợi gì.

MỘT VÍ DỤ VỀ CÁCH DÙNG TỪ XƯA VÀ NAY

Ảnh: www.tuhai.com.vn
Ở một làng nọ, sau nhiều năm hội làng bị thất truyền đến nay người ta muốn khôi phục lại hội làng, mọi công việc đã được chuẩn bị đầy đủ chỉ chờ ngày tổ chức lễ hội. Một trong những điều làm nên thành công của hội đó là màn rước kiệu, sau một hồi tuyển chọn và vận động ban tổ chức đã lựa chọn được 15 nam, nữ đội hình rất đồng đều, đẹp (nam cao 1m70, nữ cao 1m60). Mọi chuyện đã được sẵn sàng cho ngày hội, ông trưởng ban tổ chức cho gọi các nam nữ thanh niên ra để căn dặn một số điều khi rước kiệu, trong những lời ông nói có một câu như thế này:

- Rước kiệu là một việc hết sức linh thiêng nên phải cần đội ngũ trai tân, gái tân như các cháu, như vậy mới phù hợp với hội làng truyền thống của các cụ nhà ta ngày xưa.

Ngay ngày hôm sau, trong số 15 người ấy thì có đến gần nửa xin rút lui vì rất nhiều lý do: Người thì bảo bị đau chân, người thì đau lưng, người thì có việc bận đột xuất... Gần đến ngày rồi nên ban tổ chức hết sức đau đầu để tìm được đủ người rước kiệu, may quá cuối cùng cũng tìm được người thay thế. 

Sau khi kết thúc hội làng Ban tổ chức mới ngồi họp để tổng kết và đánh giá lại hội làng, vấn đề này được đưa ra, rất nhiều ý kiến được đưa ra nhưng có một ý kiến của thành viên ban tổ chức đưa ra được đa số mọi người chấp nhận đó là: Từ sang năm chỉ nên đưa ra yêu cầu là trai chưa vợ, gái chưa chồng là có thể rước kiệu được. 

Nghe nói năm sau tổ chức người ta chỉ nhắc đến cụm từ "Trai chưa vợ, gái chưa chồng" thôi chứ không ai dám nhắc lại cái câu của ông Trưởng ban tổ chức năm ngoái đã nói và kết quả là mọi chuyện đều suôn sẻ. 

Đấy, giờ không dùng từ như ngày xưa các cụ dùng được đâu, câu nói của ông Trưởng ban tổ chức nếu đặt vào cái ngày xưa thì nó chẳng ảnh hưởng gì nhưng bây giờ thì...kết quả nó minh chứng rồi đấy.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

XE ĐẸP! NGƯỜI?

Ảnh: Sưu tầm
"Xe SH mà phải dựng chỗ này à?" Mình vẫn nhớ như in câu nói này của một em sinh viên nữ học ở trường mình.
Ngày còn đi trông xe mình trông bãi xe ga, thông thường xe ga có một bãi riêng và xe số có một bãi riêng (bãi để xe ga có mái che còn xe số không có mái che). Có một lần khi bên trong nhà xe đã trật kín xe, có một em sinh viên nữ đi xe SH tới mình chỉ tay vào bãi xe không có lán, em này không chịu vào nhưng mình đứng chặn trước bắt phải rẽ vào nên em đành miễn cưỡng phải cho xe vào bãi dựng. Sau khi dựng xong em ý có vẻ tức tối nói: "SH mà phải dựng chỗ này à?" rồi quay đi. Mình chẳng nói gì, cứ làm việc.

Chắc là em ý nghĩ là do xe SH nó xịn, nó đắt tiền nên phải được ưu tiên dựng vào chỗ VIP, và chắc em ý cũng nghĩ là khi em ý đi cái xe đắt tiền thì sẽ được mọi người nể, mọi người tôn trọng.

Đúng là xe ga thì được ưu tiên dựng vào bãi trong có lán che nhưng không phải như em ý nghĩ đâu, người ta cho xe ga để trong đấy vì người ta lo cái xe bị mất thì sẽ phải đền nhiều hơn xe số thôi (tức là người ta nghĩ đến lợi ích của người ta thôi) chứ chẳng có sự ưu tiên, chẳng có sự nể trọng gì cả.

Cái xe của em đẹp thật đấy, đắt tiền thật đấy và có thể em cũng xinh đấy nhưng không phải chỉ vì thế mà em được tôn trọng đâu. Xe nó đẹp, nó đắt tiền nhưng nó chỉ có giá trị với em thôi chứ với người khác thì nó chẳng là cái gì cả. Em có đi xe SH hay đi xe đẹp hơn thế, đắt hơn thế mà lời nói, hành động, tâm hồn của em không đẹp thì em cũng chẳng là gì cả, có phải ai khoác áo cà sa cũng làm được thầy tu đâu? vậy nên đừng nghĩ rằng mình giàu, mình có tiền, mình đi xe đẹp, mình xinh là mọi người PHẢI tôn trọng mình.

NỀN VĂN MINH CHƯA ĐƯỢC KHAI SÁNG?

Ảnh: Sưu tầm
Khi mình mở bài "Chính là anh" (do Khắc Việt sáng tác) cho một cậu bé lớp 12 ở một vùng quê xa xa nghe. (Nghe nói phụ nữ ở đây sống rất "chuẩn" chính vì vậy nên đàn ông đương nhiên tôn trọng cái "chuẩn" của phụ nữ).

Khi nghe xong bài hát này cậu bé nói với tôi rằng: "Anh ơi sao những cặp vợ chồng ở ngoài thành phố người ta tình cảm vậy, chẳng giống như ở quê em gì cả?" tôi hơi bất ngờ về câu hỏi này và hỏi lại cậu bé: "Tại sao em lại nói vậy? Đây đâu phải là vợ chồng?"

Cậu bé nói với tôi rằng: "Anh cứ đùa em chứ nghe qua là em biết đây là cuộc sống của vợ chồng, anh nghe cái đoạn đầu "CỨ MỖI SÁNG THỨC DẬY - BÊN CẠNH ANH LUÔN CÓ MỘT VÒNG TAY - CỨ MỖI SÁNG THỨC DẬY - ANH LẠI NHẬN ĐƯỢC MỘT NỤ HÔN" mà xem, chẳng là vợ chồng thì là gì? Nếu không là vợ chồng thì làm sao có chuyện cứ mỗi sáng thức dậy bên cạnh đã có một vòng tay, rồi lại cứ mỗi sáng lại nhận được một nụ hôn.

Nếu là hai người chưa là vợ chồng thì chẳng lẽ cứ mỗi sáng cô gái lại chạy đến nhà chàng trai ÔM một cái, HÔN một cái rồi về à? Điều đó là hết sức vô lý, cho dù có là "hàng xóm" của nhau thì cũng ít người làm như thế."

- Ờ...ờ...ờ... Tôi đành phải ậm ờ.

Nói thật là từ trước đến giờ mình cũng chưa nghĩ được những điều cậu bé nghĩ. Mình đang tự hỏi liệu có phải là nền "văn minh" chưa đến được vùng quê đó không? Có nên "khai sáng" vùng quê đó không?

Nếu như một ngày những ca khúc kiểu như này được lưu truyền rộng rãi ở vùng quê đó và tất cả những đứa trẻ khi vừa mới lớn lên nó đã được tiếp xúc với ca khúc đó và nó "hiểu nhầm" là yêu nhau và nó mặc định hiểu yêu nhau là phải thế thì sẽ thế nào? Và liệu khi đó phụ nữ ở đó có còn "chuẩn" nữa không? Liệu đàn ông ở đó còn tôn trọng cái "chuẩn" của phụ nữ nữa không?
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp chăng?

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

MỘT TRƯỜNG HỢP CỦA ĂN BẨN

Ảnh: Sưu tầm
Dạo này tự nhiên mình lại có hứng đọc mấy cái thông tin về nông nghiệp, cách đây ít ngày mình có đọc được bài viết về hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa trên trang điện tử của tỉnh Hà Nam, ngồi đọc bất chợt ngẫm đến cái sự "ăn". Ngẫm đi ngẫm lại sao thấy cái PHẢI CHO ĂN của người nông dân và cái ĐƯỢC ĂN (ăn của nông dân) của một số người sao mà nó bẩn thế không biết.

Theo hướng dẫn thâm canh lúa thì trung bình một sào (360m2) người nông dân phải bón khoảng 300 - 500kg phân chuồng, Phân đạm urê: 5 - 6kg, phân NPK (5:10: 3): 20 - 25 kg, phân Kali: 5 - 6kg cho một sào như vậy tổng cộng khoảng 433 kg phân/ sào/ vụ (Cộng như này nó không được khoa học cho lắm nhưng thôi cũng tạm chấp nhận). Ngoài lượng phân kia ra người nông dân còn phải bỏ ra biết bao mồ hôi, công sức, đôi khi còn cả máu nữa nhưng thôi, tôi không xét đến những yếu tố này nữa.

Năng suất lúa trung bình của quê tôi là khoảng 220-250kg, thôi cứ lấy 250 kg/sào cho nó nhiều.
NHƯ VẬY TÓM TẮT LẠI THÌ NÓ NHƯ THẾ NÀY:
433 kg phân => 250 kg lúa HAY: 433 kg phân => 1.450.000 đồng
299 kg phân => 172 kg lúa HAY: 299 kg phân => 1.000.000 đồng

Như vậy có nghĩa là nếu người nông dân PHẢI cho ai đó ĂN 1.000.000 đồng tức là người ta PHẢI cho ai đó ĂN khoảng 172 kg thóc (Năng suất của 0.69 sào ruộng) hay nói cách khác là khi người nông dân PHẢI cho ai đó ĂN 1.000.000 đồng tức là người ĐƯỢC ĂN ăn 299 kg phân của người nông dân. Ăn như vậy thì bẩn lắm, bẩn vô cùng, thế nên có ăn đâu thì ăn chứ đừng ăn của nông dân làm gì, ăn như thế tổn thọ lắm!

Cái bẩn này chắc nhiều người biết lắm nhưng tại sao vẫn có người ăn bẩn nhỉ? Thực ra thì chẳng ai muốn ăn bẩn như thế đâu nhưng khốn nỗi nông dân lại chiếm gần 70% dân số nước mình thì tránh sao được, tránh mấy ông này ra thì ăn của ai? Mà chỉ ăn của mấy ông thấp cổ bé họng này nuốt nó mới dễ chứ ăn của mấy ông to cổ, to họng nuốt khó lắm. Vậy nên đôi khi người ta vẫn chấp nhận ăn bẩn rồi tặc lưỡi bảo "ăn bẩn sống lâu, thằng Tàu bảo thế".

Nói như vậy chắc sẽ có người thắc mắc là bình thường người nông dân chẳng ăn lúa, ăn gạo thì ăn gì? Như thế chẳng phải là nông dân tự ăn phân của mình à? Nông dân cũng ăn gạo nhưng không phải là người ta tự ăn phân đâu, đó là người ta ăn mồ hôi, ăn công sức của người ta thôi, chỉ khi nào mà người ta PHẢI CHO ĂN thì nó mới bẩn thôi. Khi bạn đem tiền ra chợ mua gạo về ăn tức là bạn đem mồ hôi của mình, công sức của mình để đổi lấy mồ hôi, công sức của nông dân, như vậy thì không có gì là bẩn cả. Cái bẩn nó chỉ đúng khi mà người ta PHẢI cho ai đó ĂN thôi :D

Khi nghĩ về cái sự ăn mà tôi nói trên thì phải hiểu nó theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng thì nó mới đúng được, nếu chỉ hiểu theo một nghĩa thôi thì nó chưa chắc đã đúng đâu.

BAO GIỜ NÔNG DÂN ĐƯỢC VÀO BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC?

Ảnh: Sưu tầm

Nông dân thì đừng có mà mong được vào biên chế nhà nước! Câu nói nghe có vẻ chua chát đấy nhưng nó là sự thật nếu như lời của ông Trưởng ban Kiểm tra thành ủy Hà Nội ông Trần Trọng nói là đúng.

Hôm trước đọc bài báo thấy ông Trưởng ban Kiểm tra thành ủy Hà Nội ông Trần Trọng Dực nói chạy biên chế vào nhà nước mất không dưới 100 triệu, chẳng biết con số chính xác là bao nhiêu? "không dưới" nghe nó mơ hồ lắm, "không dưới 100 triệu" tức là trên 100 triệu, nó có thể là 100, 200, 300, 500, thậm chí là vài tỷ...

Không biết là khi tính CPI người ta có đưa MẶT HÀNG BIÊN CHẾ vào giỏ hàng hóa để tính CPI không chứ nếu đưa vào thì chắc là lạm phát của nước mình cao lắm.

Với cái mức giá cao thế này thì gần 70% dân số Việt Nam làm sao vào được biên chế nhà nước. Một phép tính đơn giản dưới đây thôi cũng đủ để cho ta thấy được mức độ chua chát của câu "Nông dân thì đừng có mà mong được vào biên chế nhà nước!" và biết ngay được mức độ xa xỉ của MẶT HÀNG BIÊN CHẾ này.

Ở quê tôi giá lúa là 5800 đồng/kg, như vậy 100 triệu = 100/5,8 =17.24 tấn thóc (100 triệu là tính theo con số Min của ông Dực đưa ra, 5,8 là giá trị của 1 tấn thóc), theo số lliệu của xã tôi thì năm 2011 năng suất lúa bình quân của xã là 220-250kg/sào/vụ (1 năm có 2 vụ lúa), như tôi là lao động bình thường được 1,2 sào ruộng (432 m2), lao động chính được 1,8 sào (648m2).

Như vậy,nếu tôi về quê làm ruộng thì mỗi năm tôi có thể làm ra được: 1,2*235*5800*2=3.271.200 đồng (đây là tổng doanh thu chưa trừ đi chi phí).
TRONG ĐÓ:
235 = (220+250)/2.
1,2 là diện tích của 1 người lao động bình thường được chia
2 là số vụ trong năm.

Nếu muốn được biên chế nhà nước tôi hoặc bố mẹ tôi cần phải mất khoảng 30.5 năm không ăn, không uống, không mặc, KHÔNG HỌC ... và cái con số 30.5 đó nó cũng xấp xỉ bằng nửa cái vòng tuần hoàn của một đời người.

Có ông nông dân nào dám bỏ ra nửa đời người để được vào biên chế không? Và giả sử ông có dám thì ông cũng phải làm được những việc không tưởng: không ăn, không mặc, không uống, không học và không cả cho con ĐI HỌC...để được cái "mác" biên chế!

Thôi thì nông dân cứ yên phận làm nông dân thôi! Chẳng có cơ hội nào để cho nông dân được làm biên chế nhà nước đâu, đừng có mơ làm gì, nó xa vời lắm, nó xa xỉ lắm, nó...lắm lắm!

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

CÓ PHẢI CON VỊT SINH RA ĐÃ BIẾT BƠI?

Ảnh: Sưu tầm

Con vịt biết bơi. Ờ, đúng, câu này thì chẳng ai phủ nhận cả, tạo hóa cho con vịt có bộ lông vũ, đôi chân có màng nên dù có trời mưa hay nắng thì nó vẫn cứ bơi. Nhưng có phải con vịt sinh ra đã biết bơi? Câu này thì trả lời hơi khó. 

Tôi có một câu chuyện thế này: Một bác nông dân nuôi được 20 con vịt, do nhà không gần ao nên bác nhốt ở nhà (tức nuôi cạn),chỉ để một chậu nước nhỏ để cho vịt uống nước và rửa lông rửa cánh. Sau một thời gian (khoảng 1 tháng) vịt đã lớn, một buổi chiều bác đem 20 con vịt đó ra ao thả ở đó để thức ăn đầy đủ, có cả chỗ cho vịt đỗ...Sáng hôm sau bác ra cho ăn thì thấy có 3 con vịt bị...chết đuối còn 2 con khác đang bị chìm trong nước chỉ nhô được mỗi cái cổ lên. Bác tự hỏi: Vịt biết bơi tại sao lại chết đuối, bị chìm được? Bộ lông vũ của nó để làm gì? Đôi chân có màng của nó để làm gì?

Chính vì bác nông dân nghĩ đã là vịt thì phải biết bơi nên cứ thả nó xuống nước thì nó sẽ bơi được, không bao giờ có chuyện bị chìm hay chết đuối nên mới xảy ra chuyện như vậy. Thực ra không phải như vậy, đúng là tạo hóa cho vịt rất nhiều lợi thế để nó có thể bơi được nhưng đấy chỉ là những lợi thế thôi chứ không phải sinh ra nó đã biết bơi. Muốn bơi được thì vịt cũng phải có môi trường để rèn luyện, để thử thách, bác nông dân đã nhốt chúng trên cạn tức là nó đã không có cơ hội để rèn luyện nên những lợi thế mà tạo hóa ban cho nó đã không phát huy được tác dụng.

Nói như vậy sẽ có người thắc mắc là tại sao những con còn lại lại không bị chìm hay bị chết đuối? Có phải những con này sinh ra nó đã biết bơi? Tôi nghĩ là những con biết bơi kia không phải là sinh ra nó đã biết bơi mà do nó tập luyện mà thôi, hàng ngày chúng đã quen với việc ngụp lặn trong chậu nước tức là chúng đã được rèn luyện trong môi trường nhỏ rồi nên khi ra môi trường rộng hơn chúng dễ dàng thích nghi và vượt qua được. Và điều quan trọng là nó đã biết tận dụng những lợi thế mà tạo hóa ban cho nó để nó có thể sinh tồn. Biết đâu những ngày bình thường khi chúng chăm chỉ ngụp lặn trong chậu nước thì một số con lại ăn với ngủ, thậm chí có con còn cười cợt chúng, cho rằng chúng làm như vậy là thừa...?

Kinh nghiệm cho những con khác cũng vậy thôi, không phải cứ được tạo hóa ban cho cái này, cái kia là có thể sử dụng ngay được, quan trọng là biết tận dụng những lợi thế mà tạo hóa ban cho và phải có môi trường để rèn luyện mới có thể phát huy được những lợi thế có sẵn. Nếu cứ ỷ lại vào những cái tiềm năng sẵn có thì số phận cũng chẳng khác mấy con vịt kia là bao.