Translate

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

XÚC CẢM VÀ TÌNH CẢM

Học sinh mỗi khi đến lớp mà được ai đó thông báo thầy/cô giáo bị ốm nên lớp được nghỉ là lại ồ lên một cách sung sướng.Tại sao khi nghe thấy tin thầy cô mình ốm để được nghỉ học mà học sinh, sinh viên lại sung sướng đến vậy? Phải chăng học sinh, sinh viên không quý thầy, cô hay học sinh chỉ biết nghĩ đến cái lợi trước mắt của mình mà không nghĩ đến người khác?

Thực ra thì không phải như vậy, là con người thì ai cũng có lòng nhân ái cả. Học sinh sung sướng khi biết giáo viên bị ốm nên được nghỉ học chỉ là xúc cảm thôi, xúc cảm theo như các nhà Tâm lý học nghiên cứu thì nó chỉ là những sự rung động nhất thời, mang tính chất thời điểm, không tồn tại lâu bền. Trong trường hợp này thì việc học sinh vui nó chỉ là nhất thời, học sinh nhất thời vui vì nghe tin được nghỉ học chứ không phải vui vì giáo viên bị ốm, nó chỉ xuất hiện và biến mất một cách nhanh chóng chứ không tồn tại lâu bền.

Tình cảm mới là thứ tồn tại lâu bền, tình cảm liên quan đến nhu cầu và động cơ của con người. Hầu hết những ai đã là sinh viên, học sinh thì đều yêu quý, tôn trọng thầy cô của mình cả, đó mới là tình cảm, là cái lâu bền. Có thể có những giây phút vui không đúng lúc nhưng đó chỉ là những rung động nhất thời chứ nó không thể hiện tình cảm của học sinh đối với giáo viên.

Vậy nên nếu thầy, cô nào có gặp tình huống như vậy thì hãy hiểu cho học sinh, đó chỉ là những xúc cảm nhất thời thôi chứ không phải là tình cảm của học sinh. Học sinh luôn tôn trọng và biết ơn những người thầy của mình!

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT?


Đọc Luật Lao động mình vẫn không hiểu được như thế nào thì việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của người lao động (NLĐ) là “Chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”. Theo như trong Bộ Luật lao động năm 2012 thì các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ là những trường hợp không nằm trong quy định tại Khoản 1, Điều 37, Bộ Luật Lao động. Nhưng vấn đề là: NLĐ nghỉ bao nhiêu ngày thì bị coi là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật? 

Giả sử NLĐ không muốn làm việc tại doanh nghiệp nữa, họ sẵn sàng rời bỏ bằng bất kỳ lý do mà không muốn chịu bất kỳ một khoản bồi thường nào nên họ tự ý nghỉ việc dài ngày và trường hợp nghỉ việc này không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 37 thì có được coi là chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật không? (Cũng giả sử rằng NSDLĐ trong trường hợp này có “thời gian rảnh” để đòi NLĐ phải bồi thường hợp đồng).

Nếu NLĐ gửi văn bản cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) xác nhận việc chấm dứt HĐLĐ thì đây chính xác là đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng người lao động cứ nghỉ và không nói gì, không có văn bản gì thì làm sao đủ cơ sở để cho rằng NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ trái luật? Họ khẳng định vẫn làm cho doanh nghiệp nhưng chưa muốn đi làm, nếu doanh nghiệp cho họ nghỉ việc thì cứ theo Điều 126 của Bộ Luật lao động để Sa thải, như vậy NLĐ và NSDLĐ chẳng ai phải đền bù ai cái gì. Rõ ràng trong trường hợp này NSDLĐ bì ép phải tiến hành các thủ tục để Sa thải NLĐ đó nhưng việc sa thải NLĐ lại diễn ra theo một quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian.

Trong trường hợp này NSDLĐ vẫn phải thanh toán đầy đủ tiền lương những ngày mà NLĐ làm việc vì nếu không thanh toán hoặc thanh toán chậm so với thời gian ghi trong HĐLĐ thì NLĐ chỉ cần báo trước 3 ngày cho NSDLĐ sau đó chấm dứt HĐLĐ và trong trường hợp này thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ là đúng pháp luật (Theo Khoản 2, Điều 37, Bộ Luật Lao động 2012).

Chính việc không xác định được thời gian được coi là chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên NSDLĐ gặp phải các trường hợp này chẳng thể đòi được bồi thường ½ tháng lương hay yêu cầu NLĐ đền bù những ngày nghỉ không báo trước của NLĐ (theo Điều 43 Bộ Luật Lao động năm 2012). Và giả sử nếu NSDLĐ muốn được bồi thường những ngày không báo trước thì cũng chẳng có căn cứ nào để lấy làm mốc xác định những ngày không báo trước.

Không biết đã có văn bản nào hướng dẫn cụ thể Điều này chưa, nếu chưa có thì Luật cần phải quy định rõ hơn thời gian nghỉ như thế nào thì được coi là chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật để NSDLĐ có căn cứ xử lý các tình huống NLĐ tự ý nghỉ việc.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LƯƠNG SẢN PHẨM VÀ LƯƠNG THỜI GIAN

"Trước đây CN làm theo sản phẩm có mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Sau đó, Cty chuyển sang làm lương tháng theo thời gian" nên thu nhập giảm từ 1-2 triệu/tháng.

Tại sao lại có sự khác biệt về trả lương sản phẩm và trả lương thời gian?

Có thể giải thích sự khác biệt này như sau:

Xuất phát từ công thức tính đơn giá tiền lương sản phẩm: 

ĐGTL = Thời gian hoàn thành sản phẩm * mức lương tính đơn giá. (mức lương tính đơn giá có thể là theo tháng, theo giờ, theo ngày...; Thời gian hoàn thành sản phẩm có thể tính theo giờ, phút... tuỳ theo doanh nghiệp lựa chọn).

Trước đây khi xây dựng đơn giá tiền lương doanh nghiệp sử dụng mức lương tính đơn giá thấp, không phản ánh đúng định mức lao động. Bản chất của mức lương tính đơn giá là: Nếu anh/tổ sản xuất làm được số lượng sản phẩm X thì anh/tổ sản xuất sẽ tương ứng nhận được mức lương Y. Ví dụ, theo định mức trong một ca sản xuất cần 8 lao động sẽ làm được 64 đơn vị sản phẩm, mức lương tính đơn giá là 90 nghìn đồng/ngày thì khi 8 người đó làm được 64 sản phẩm thì họ sẽ nhận được 90 nghìn đồng/người/ngày.

Do doanh nghiệp sử dụng mức lương thấp nên sẽ đẩy thời gian hoàn thành sản phẩm lên (tức là giảm năng suất lao động) nên đơn giá tiền lương vẫn tăng nhưng mức lương tính đơn giá không thay đổi. Khi chuyển sang trả lương thời gian, doanh nghiệp lấy luôn mức lương này để trả cho người lao động nên tiền lương thời gian sẽ thấp hơn tiền lương sản phẩm tương ứng với mức chênh lệch giữa tiền lương sản phẩm NLĐ thực nhận so với mức tiền lương làm căn cứ tính đơn giá.

Việc doanh nghiệp sử dụng mức lương tính đơn giá thấp hơn mức lương người lao động thực nhận sẽ dẫn đến việc định mức lao động không khoa học, không phản ánh hết được ý nghĩa của định mức lao động hay nói cách khác, định mức lao động đang chạy theo tiền lương.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 8, NĐ số 49/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 thì khi định mức lao động bị hụt quá 5% hoặc vượt mức quá 10% thì doanh nghiệp phải rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp. Ở đây, lương sản phẩm cao hơn lương thời gian từ 1-2 triệu/tháng có thể là NLĐ đã vượt mức lao động quá nhiều (vượt khoảng trên 30%) nhưng doanh nghiệp không điều chỉnh nên tiền lương trả theo sản phẩm sẽ cao. Chính vì vậy, khi chuyển sang trả lương thời gian sẽ có sự chênh lệch khá lớn so với lương sản phẩm.

Như vậy, để việc xây dựng đơn giá tiền lương được chính xác thì doanh nghiệp cần điều chỉnh mức lương tính đơn giá chứ không điều chỉnh năng suất lao động. Khi thực hiện được điều này thì việc trả lương theo sản phẩm và trả lương theo thời gian sẽ không chênh nhau quá nhiều.

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

RÈN LUYỆN LÝ TRÍ VÀ TÌNH CẢM

Trong một con người luôn tồn tại sự đấu tranh giữa Bộ não và trái tim. Khi bộ não chiến thắng thì con người ta sẽ hành động hoàn toàn theo lý trí, con người đó sẽ rất khô khan; còn khi trái tim chiến thắng thì người ta sẽ hành động hoàn toàn theo tình cảm, cảm tính khi đó con người đó sẽ rất yếu đuối, chỉ một cú sốc nhỏ thôi cũng đủ để người ta ngã gục.


Để đạt được trạng thái cân bằng trong một con người thì người ta phải rèn luyện để trái tim và bộ óc luôn có tỷ số "hòa" trong mỗi trận đấu.

Đọc sách là một trong rất nhiều cách để rèn luyện con người. Nếu chỉ đọc những cuốn sách rèn luyện ý chí, bản lĩnh thì (có thể) con người đó sẽ rất cứng rắn, đầy nghị lực... Nếu chỉ đọc những cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn thì (có thể) con người đó sẽ yếu đuối, mỏng manh... Vì vậy cần phải có sự kết hợp cả hai thể loại sách này để đạt được trạng thái cân bằng.

THAM NHŨNG LÀ DO LƯƠNG THẤP?

Tiền lương của cán bộ công chức thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng. Điều này thì chẳng mấy người phản đối cả. Nhưng nếu cứ lấy lý do lương thấp để bao biện cho hành vi tham nhũng thì có đúng không?

"Tiền lương thấp nên tham nhũng" có thể hiểu như thế này: Trong quá trình làm việc, do lương thấp quá không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống nên người ta sinh ra tham nhũng. Cái này áp dụng với những người mà ngày trước còn hình thức Nhà nước phân công công tác thì có vẻ hợp lý vì họ không có cơ hội được lựa chọn nhưng đối với những người trẻ hiện nay mà tham nhũng thì cái lý do đấy không được hợp lý lắm.

Nếu đổi tại lương mà tham nhũng thì không đúng, anh hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn làm việc trong nhà nước hay ngoài doanh nghiệp, vậy tại sao anh lại chọn làm trong nhà nước rồi kêu lương thấp, rồi tham nhũng?

Nhà nước đã quy định rõ thang lương, bảng rất cụ thể. Anh có trình độ nào sẽ được hưởng mức lương đó, chế độ tăng lương có lộ trình rất cụ thể rồi nếu anh thấy thấp thì anh không làm nữa, có ai bắt anh phải vào đâu (trừ một số trường hợp cá biệt). Nếu đã vào rồi thì anh phải chấp nhận chứ, mọi quyết định đều có chi phí cơ hội cả, anh chấp nhận được ổn định, được "oai" thì anh phải chấp nhận mức thu nhập không cao. Đó là điều đương nhiên.

Thêm nữa, việc xin được việc trong các cơ quan nhà nước khó hơn rất nhiều, yêu cầu (xét về bằng cấp) là khá cao. Chỗ làm vừa khó xin lương lại thấp tại sao lại vào làm gì? Sao không ra doanh nghiệp làm cho lương nó cao?

Như vậy, lương thấp dẫn đến tham nhũng chỉ có thể là lý do bao biện với những người bị ép buộc phải làm việc trong cơ quan nhà nước thôi còn những người tự nguyện làm việc trong cơ quan nhà nước thì không thể lấy lý do này mà bao biện cho hành vi tham nhũng được. Những người trẻ mà tham nhũng là do người ta tự nguyện lựa chọn tham nhũng chứ không phải vì lương thấp không đủ chi tiêu cho cuộc sống nên tham nhũng. Họ kỳ vọng rằng vào cơ quan nhà nước để được cái gì đó (các khoản thu nhập ngoài lương, độ "oai", sự ổn định chẳng hạn) chứ không phải là kỳ vọng vào lương.

LỰA CHỌN CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Việc sử dụng máy cắt lúa thay cắt thủ công như hiện tại rõ ràng sẽ tiết kiệm rất nhiều sức lao động nhưng người nông dân lại lý luận thế này: Nhà tôi có 5 người, nếu cắt bằng tay một ngày cả nhà tôi làm được khoảng 5 sào trong khi nếu sử dụng máy gặt chỉ cần mất 2 tiếng là xong, vậy 5 người nhà tôi sẽ làm gì trong thời gian còn lại? Đi chơi à?


Lý luận của người nông dân là hoàn toàn có cơ sở nếu xét trên góc độ việc làm.

Một trong những mô hình tạo việc làm đó là mô hình lựa chọn công nghệ vào sản xuất, công nghệ cao sẽ có năng suất lao động cao, sử dụng ít lao động và ngược lại. Khi lượng lao động dôi dư quá nhiều thì người ta sẽ chấp nhận lựa chọn công nghệ thấp nhưng sử dụng nhiều lao động để giải quyết lượng lao động dôi dư. 

Trong trường hợp này, nếu lựa chọn sử dụng máy cắt lúa vào sản xuất (tạm coi là công nghệ cao) thì sẽ cho năng suất cao, tiết kiệm được rất nhiều lao động tuy nhiên nó lại tạo ra lượng lao động dôi dư quá lớn, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động của lao động nông thôn giảm đi cùng với đó là tỷ lệ lao động thiếu việc làm càng tăng (bản chất lao động trong ngành nông nghiệp nước ta đã là lao động thời vụ, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động thấp…).

Khi năng suất lao động tăng, nếu quy mô sản xuất không tăng theo thì thất nghiệp sẽ xuất hiện. Trong sản xuất lúa ở nước ta, năng suất lao động có thể nâng cao bằng nhiều phương pháp nhưng quy mô sản xuất thì rất khó tăng do diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm.

Như vậy, nếu muốn cơ khí hóa nông nghiệp thì cần phải có phương án sử dụng lượng lao động dôi dư phù hợp để giảm tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn. Nếu không có phương án sử dụng lao động dôi dư sau khi cơ giới hóa thì sẽ vấp ngay phải sự phản đối từ chính những người nông dân.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

NGUYÊN NHÂN CỦA LẠM PHÁT DƯỚI ÂM PHỦ?

Ra chợ những ngày rằm, ngày lễ thấy la liệt là vàng mã, tiền âm phủ, đồ cúng lễ cho người âm. Nhìn thấy tiền vàng âm phủ lại chợt nghĩ đến công cuộc chống lạm phát của nước mình và tự nghĩ không biết ngân hàng địa phủ điều tiết thị trường tiền tệ sao mà giỏi thế.

Trên trần gian, vào các ngày rằm, ngày lễ, giỗ, người người mua tiền vàng, đồ đạc, nhà nhà mua tiền vàng, đồ đạc để "gửi" xuống cho những người thân của mình dưới âm phủ. Chưa có ai thống kê được số lượng tiền vàng mà những người trên trần gian đã "gửi" xuống địa phủ nhưng theo mình con số đấy nó lớn lắm, cứ thử nhìn mà xem, mỗi nhà vào các ngày lễ, ngày giỗ cũng đều có cả chục cây vàng, hàng xấp tiền toàn 500n, 100 đô la...rồi thì xe máy, ô tô, máy bay, điện thoại...nói chung là chẳng thiếu thứ gì. Mình đang thắc mắc là không biết với lượng tiền ấy nó có nhiều quá so với "nền kinh tế" của địa phủ không? Không biết khi lượng tiền nó nhiều như thế dưới địa phủ có bị lạm phát như trên trần gian này không?

Lạm phát xuất hiện khi lượng tiền trên thị trường lớn hơn lượng hàng hóa trên thị trường, người ta sử dụng nhiều chính sách nhưng chung quy lại cũng chỉ để cho lượng tiền trên thị trường và lượng hàng hóa nó bằng hoặc tương đương nhau mà thôi.

Hàng năm lượng tiền xuống tới Ngân hàng địa phủ nhiều như vậy trong khi những "công dân" của âm phủ lại gần như không phải sản xuất gì (vì mọi đồ dùng đều được những người trên trần đốt xuống cả rồi) như thế không lạm phát mới là lạ. Một cách vô tình, những hành động tưởng chừng như rất tốt của những người trên trần gian vô tình lại đẩy những "công dân" của thế giới âm phủ phải oằn mình chống chọi với nạn lạm phát.

Cũng có thể là dưới Ngân hàng địa phủ có một ông Thống đốc vô cùng giỏi có thể điều tiết được cung và cầu tiền nên lạm phát vẫn không xảy ra. Nếu như vậy thì ngân hàng địa phủ thật là giỏi. Ngân hàng nhà nước Việt Nam có lẽ nên "cử" người xuống để học hỏi kinh nghiệm chống lạm phát để áp dụng cho trên trần gian. Nhưng nói gì thì nói, cứ phải chống lạm phát là mệt rồi.

Đôi khi muốn làm việc tốt mà chưa kết quả của nó đã là tốt, thôi thì "gửi" tiền thì cứ gửi nhưng mọi người hãy nên tính toán một chút, cứ gửi nhiều tiền xuống như vậy những "công dân" âm phủ đâu có được lợi gì, có khi còn bị thiệt hại nữa là đằng khác. Vậy nên, mọi người hãy cân nhắc chút trước khi đốt tiền vàng xuống âm phủ!

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

NHƯ THẾ NÀO LÀ "CHUẨN MEN"

Một số người khi thấy một người con trai không uống rượu bia, không hút thuốc, không cờ bạc, lô, đề, không trà, không cà phê...thì người ta nói: Đồ đàn bà, về mà mặc váy hoặc sang Thái Lan mà chuyển giới đi... có người vì những lời nói đó mà đánh mất đi cuộc đời của mình. Đây chỉ là quan điểm của một nhóm người, người ta đã tự đặt ra những thứ đó để đánh giá một người có phải là "men" hay không thôi?

Người ta đặt ra được tiêu chí đó thì mình cũng có thể đặt ra được tiêu chí để đánh giá một người có "men" hay không. 

Theo mình, các tiêu chí để được là "men" như trên vẫn chưa đủ, là "men" thì phải đánh bạc này, rượu chè này, thuốc lá, thuốc lào này, sử dụng ma túy và phải có HIV trong người nữa...đấy tiêu chí của tôi đấy, ai muốn được công nhận là "men" thì làm như vậy đi?

Mình thì nghĩ người đàn ông bản lĩnh là người biết đứng vững trước các cám dỗ của cuộc đời, là điểm tựa vững chắc cho người thân của mình, biết “mặc kệ người ta nói” để tạo nên phong cách cho riêng mình… chứ không phải là uống được bao nhiêu chén rượu, bao nhiêu cốc bia trên bàn rượu, bàn bia hay yêu được bao nhiêu cô gái…

Mối người có cách sống, cách làm, cách suy nghĩ khác nhau nên hành động tất nhiên sẽ khác nhau, đâu nhất thiết cứ phải thế này, thế nọ để được công nhận là cái này, cái nọ? Quan trọng là mình được là mình thôi chứ chẳng cần phải chạy theo người khác làm gì cho mệt.

BỜM CÓ DẠI KHÔNG?

Lâu nay khi nhắc đến thằng Bờm người ta nghĩ ngay đến một con người ngô nghê, ngờ nghệch, ngốc nghếch...nhưng sự thực thì có phải như vậy không? Theo quan điểm của tôi thì Bờm không phải như người ta nghĩ, ngược lại tôi thấy Bờm thông minh là đằng khác.

Nguyên nhân để người ta nghĩ Bờm ngốc nghếch, ngây ngô... là do trong bài ca dao về thằng Bờm, phú ông đổi rất nhiều thứ nào là ba bò chín trâu, một sâu cá mè, một bè gỗ lim...nhưng Bờm nhất quyết không lấy mà chỉ khi phú ông "Xin đổi nắm xôi" thì "Bờm cười. (bè gỗ lim, ba bò chín trâu...so với quạt mo của Bờm là vật không ngang giá).

Hình như nhiều người chưa hiểu đúng về cuộc trao đổi này. Trong bài viết này tôi sẽ nói rõ hơn về cuộc trao đổi này và chứng minh Bờm không "bờm" như nhiều người nghĩ.

Nếu căn cứ vào câu "Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười" mà kết luận là Bờm đã đổi là chưa chính xác. Khi phú ông muốn đổi nắm xôi lấy quạt mo thì Bờm chỉ cười thôi, ý nghĩa nụ cười của Bờm là như thế nào? Bờm cười rồi đồng ý đổi hay Bờm cười vì phú ông đưa ra cái giá quá bèo? Như vậy, Có thể chia ra hai trường hợp: Trường hợp 1, Bờm cười và đồng ý đổi; Trường hợp 2, Bờm cười và không đổi. Tôi sẽ chứng minh trong cả hai trường hợp Bờm không hề "bờm".

TRƯỜNG HỢP 1: Bờm cười và đổi quạt mo lấy nắm xôi - Bờm không dại.

Vì sao phú ông gạ đổi bao nhiêu thứ có giá trị như: Một bè gỗ lim, ba bò chín trâu, con chim đồi mồi...mà Bờm vẫn không đổi mà Bờm lại đổi lấy nắm xôi? Trong xã hội mà Bờm sống - Một xã hội vô cùng bất công, luật pháp bị coi thường, vị trí của Phú ông và Bờm là như thế nào? Phú ông là người giàu có, có nhiều quyền lực còn Bờm chỉ là thằng bé đi ở không một chút quyền lực nào. Nếu Bờm đổi quạt mo lấy một bè gỗ lim hay ba bò chín trâu thì liệu Bờm có giữ được không? Liệu Phú ông có dễ dàng để cho Bờm sở hữu những thứ đó không? Chỉ có lấy nắm xôi ăn vào bụng rồi thì Phú ông chẳng thể đòi lại được. Như vậy Bờm thông minh chứ đâu phải Bờm dai.

TRƯỜNG HỢP 2: Bờm cười nhưng không đổi quạt mo lấy nắm xôi - Bờm vẫn không dại.

Như đã phân tích ở trên, nếu đổi thì có thể Bờm sẽ bị mất tất cả, cả quạt mo luôn. Như vậy Bờm không đổi là hợp lý quá còn gì, Bờm thông minh chán. Một ý nữa đó là Cái cười của Bờm biết đâu là cái cười mỉa mai phú ông vì đưa ra cái giá quá bèo? Ba bò chín trâu còn chẳng đổi nữa là một nắm xôi...Như vậy Bơm đâu có dại.

Ở trường hợp hai nghe có vẻ hơi mâu thuẫn với trường hợp 1 một chút vì nếu phú ông có thể trấn được ba bò chín trâu, bè gỗ lim..thì sao không "trấn" luôn cái quạt mo của Bờm mà bày đặt đổi làm gì? Theo cách hiểu của tôi thì cái quạt mo không đáng để phú ông "trấn" nhưng nếu thay cái quạt mo bằng bè gỗ lim, ba bò chín trâu...thì sẽ khác đấy, và nhất là lại của phú ông dổi thì khỏi phải nói.

MONG ƯỚC NHỎ NHOI

Trời lại rét rồi!

Rét như vậy nhưng giờ này những bác nông dân vẫn phải dạy từ sớm để ra đồng đi cấy cho kịp thời vụ.

Rét như thế nhưng những người công nhân vẫn phải dạy từ 5h sáng để đi làm!

Vất vả thế đấy! Kiếm được 2-3 triệu một tháng đâu phải là dễ, làm ra được vài tạ thóc một vụ đâu có đơn giản!

Vậy mà:

Chỉ cần làm cái tờ giấy để khẳng định cái quyền sở hữu trên mảnh đất mình đang ở thôi cũng phải cảm ơn người ta đến nửa tháng lương, cả một tạ thóc!

Chỉ cần một lần ốm đau phải đi bệnh viện thôi người công nhân phải mất cả tháng lương, người nông dân thì mất đến vài tạ thóc để cảm ơn những người "cần" phải cảm ơn!

Còn nhiều cái loại phí cảm ơn nữa mà những người lao động nghèo phải chi nữa!

Mình không mong gì nhiều chỉ mong những người bạn của mình, những người đã, đang và sẽ làm việc ở những nơi có thể nhận cảm ơn, nếu nhận thì nhận của những người mà với người ta 1 vài triệu đồng nó chẳng có nghĩa lý gì chứ đừng nhận cảm ơn của những người lao động khổ cực bởi với họ 1, 2 triệu nó quý lắm, nó quan trọng lắm.

CUỘC ĐỐI THOẠI ĐÁNG NHỚ

Hôm nay đến trường mình đi từ ngõ 41 Trần Duy Hưng rẽ sang trường, đi lên vỉa hè bị ngay mấy đồng chí Công an Nhân dân tóm, bị bắt bằng lái xe, giấy đăng ký mang về đồn giải quyết. Lần đâu tiên bị phạt nên cũng chẳng biết nhiều. Cuộc trao đổi với mấy đồng chí Công an Nhân phường Trung Hoà diễn ra như thế này:

CA: Thế đã biết lỗi của mình chưa?

Mình: Dạ! Em biết rồi ạ!

CA: Thế muốn xử lý nhanh hay gì?

Mình: Thôi, các anh cứ xử nhanh để em còn vào lớp ạ!

CA: Thế có thể nộp phạt được bao nhiêu?

Mình: Để em kiểm tra xem còn bao nhiêu trong ví ạ! (Văn vở tí thôi chứ mình đã hỏi trước mức thông thường mà người ta hay nhận rồi nên chuẩn bị sẵn trong ví rôi :D).

CA: Cúi xuống bàn mà kiểm tra, thấp xuống!

Mình: Em còn có hơn 200 ạ!

CA: Thế đưa 200 đây rồi về! 

Mình: Các anh lấy 100 để cho em 100 em ăn tối ạ!

CA: Thế lập biên bản tước bằng lái xe, giữ đang ký nhá!

Mình: Dạ thôi ạ! Em nộp phạt luôn

CA: Đưa thấp cái tay xuống, chúi chúi xuống gầm bàn ý.

Mình đưa tiền xong: Em cảm ơn các anh a! Em chào các anh!.

Đi về.

200 nghìn đồng nếu quy ra thóc thì được khoảng hơn 30 Kg thóc, mình chưa thử xem mỗi Kg thóc có bao nhiêu hạt nhưng nếu số thóc đó mà đem xát ra gạo rồi xay thành bột thì 87 triệu dân nước mình kiểu gì mỗi người cũng được khoảng 1 hạt bột...

Mình sai nên bị phạt là điều tất nhiên, nhưng có điều chẳng biết 200 đấy nó vào tay ai nữa. Thôi thì cứ tự an tủi mình: Mình nộp phạt là nộp phạt cho nhân dân chứ không phải nộp phạt cho mấy ông công an, mà nhân dân thì lại là mình rồi, chẳng đi đâu mà thiệt. Vẫn vui, vẫn cười thoải mái.

NGHĨ - NÓI - VIẾT TRÊN FACEBOOK

Nghĩ - Nói - Viết, đây mà ba cái mà không phải ai cũng làm được. Có người nghĩ rất tốt nhưng nói ra thì lại rất dở, nói rất hay nhưng viết thì lại không viết được. Khoảng cách giữa Nghĩ - Nói - Viết là cả một chặng đường dài. Để thu hẹp cái khoảng cách ấy thì người ta cần phải luyện nhiều: Luyện nghĩ, luyện nói, luyện viết. Trên Facebook mình có cơ hội được luyện khả năng nghĩ và viết - nghĩ rồi viết (tiếc là không có "sân khấu" để luyện nói). Đó chính là một trong những lý do mà mình hay viết những bài dài dài trên Facebook.

Điểm lại thì mình cũng viết được một số bài, có những bài viết xong đọc lại thấy hay hay, có những bài viết xong rồi đọc lại thấy dở vô cùng, có bài ngắn, có bải dài...Nhưng dù ngắn hay dài, hay hay dở thì cũng đều chung mục đích là luyện viết mà thôi. 

Lúc đầu khi mới bắt đầu tập mình thấy khó quá, lúc nghĩ thì nghĩ được nhưng cứ ngồi viết là chẳng viết được gì. Ban đầu ngồi chẳng viết được gì nhưng dần dần cũng viết được vài dòng, ban đầu viết dở dở nhưng dần dần thấy nó hay hay hơn, cách viết logic hơn, lập luận chặt chẽ hơn.... Cứ dần dần như thế cái suy nghĩ của mình nó mở dần mở dần, cách viết, cách lập luận nó cứng hơn (hơn ở đây là hơn cái ban đầu chứ không phải hơn người khác).

Giờ mình vẫn tiếp tục luyện, phải luyện thật nhiều để sau này có phải viết cái gì thì sẽ không còn ngại viết nữa, luyện để sau này còn viết những cái to hơn, những cái quan trọng hơn!. Cứ trong đầu nghĩ cái gì là ngồi viết ngay, tự nghĩ ra các chủ đề để viết, thấy cái gì hay hay, thích thích là viết ngay.

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

MỘT MẢNH ĐỜI...!

Giấc mơ yên bình
Đứa bé, mới hơn 2 tuổi thôi, hồn nhiên ngây thơ... hình như nó vẫn chưa biết rằng một mất mát quá lớn đã đến với nó, vẫn chơi, vẫn bám vào người bố. Ngày hôm qua, là một ngày có lẽ là "đặc biệt" với nó.

Người ta mặc cho nó bộ đồ trắng, quấn cho nó cái khăn trắng trên đầu. Liệu nó có biết những thứ ấy nghĩa là gì không nhỉ? Chắc nó chẳng hiểu gì đâu, chắc nó nghĩ đó là bộ đồ mới mà người ta mới may cho nó, cái khăn quấn lên cho đẹp, chắc nó nghĩ hôm nay là một ngày gì đó mà rất đông người đến nhà nó chơi, nó nghĩ cũng giống như hôm tết mọi người cũng đến nhà nó đông lắm...

Chắc cũng có người nói với nó là mẹ nó đã ra đi mãi mãi rồi, cũng có thể có người nói thẳng cho nó biết mẹ nó đã mất rồi. Nhưng nó có hiểu được người ta nói gì với nó không? Chắc nó cũng chẳng hiểu gì đâu, người ta bảo mẹ nó mất rồi, nó cũng chẳng biết "mất" là cái gì đâu, chắc nó nghĩ là mẹ nó đi Hà Nội như những lần trước thôi, rồi một vài ngày, vài tuần nữa mẹ nó sẽ trở về với nó thôi...

Những suy nghĩ như thế của nó tồn tại được đến bao giờ? Đến một ngày nó thấy mẹ nó đi lâu không về, nó hỏi những câu ngây thơ: "Bao giờ mẹ về hả bố?" bố nó biết làm gì? Nó đòi mẹ nó, nó khóc, thậm chí nửa đêm nó khóc đòi mẹ....bố nó, ông bà nó biết làm gì?

Rồi bố nó sẽ lấy vợ, chắc chắn rồi, bố nó còn trẻ lắm mà mới 24 tuổi thôi. Nó sẽ có mẹ mới. Nhưng mẹ mới có chăm lo được cho nó như "mẹ cũ" của nó không?

Nghĩ mà buồn, mà tội cho nó, mới 2 tuổi thôi đã phải mất mẹ. Có vẻ như phía trước với nó là một quãng đường hết sức khó khăn với nó!

Nhưng thôi, mọi chuyện rồi sẽ qua. Ông trời đã sắp xếp rồi, khi ông lấy đi một thứ gì của ai đó thì ông sẽ bù lại cho người đó những thứ khác để bù đắp lại, có thể là không bằng, có thể bằng và có thể hơn! Hãy tin và hy vọng rằng ông trời luôn công bằng với tất cả mọi người, tin là số phận của đứa bé sẽ tốt đẹp!

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Ý NGHĨA 60+ LÀ ĐÂU?

Ảnh: Sưu tầm
Truyền hình trực tiếp chương trình 60+ (giờ trái đất) để hưởng ứng chương trình Giờ trái đất do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) phát động có hiệu quả không? Có đúng với bản chất của nó không?


Chương trình 60+ được thực hiện tại Quảng trường Cách Mạng Tháng 8, trước Nhà Hát lớn Hà Nội vào đúng khung giờ mà người ta đang vận động người dân tắt bóng điện và các thiết bị điện không cần thiết để bảo vệ môi trường. Mình tự hỏi, người ta lấy điện ở đâu ra để thực hiện chương trình này trong khi những người dẫn chương trình đang cầm Micro vận động người dân tắt các thiết bị điện? Như vậy chính những người đi vận động đã không hưởng ứng thì còn ai hưởng ứng theo? Phải chăng điện dùng để thực hiện chương trình này là "điện cần thiết" không thể tắt bỏ được?


Chương trình 60+ lại được TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP trên kênh VTV1 - một trong những kênh được phủ sóng rộng rãi nhất Việt Nam, lại được phát sóng đúng vào khung giờ 60+, mình lại tự hỏi: Chương trình này phát sóng cho ai xem nếu như tất cả người dân đều hưởng ứng 60+ và tắt hết các thiết bị điện không cần thiết nhỉ? Phải chăng Tivi là thiết bị "cần thiết" không thể tắt bỏ?

Thực tế là rất nhiều người (trong đó có mình) rất thích chương trình này và rất thích cách vận động của những người làm chương trình này, mà đã thích nội dung, thích cách làm thì không thể không xem được. Thế nên mình coi Tivi là thiết bị "cần thiết" không thể tắt đi được, mà đã xem Tivi thì phải bật điện để xem rồi vì xem Tivi mà không bật đèn điện sẽ có hại cho mắt nên cũng không thể tắt bóng điện đi được. 

Vì thích chương trình truyền hình trực tiếp 60+ nên mình chẳng tắt được cái gì! Một dấu hỏi cho dành cho hiệu quả của chương trình???

Thêm nữa, trên các trang báo đưa nhiều những hình ảnh người dân, nhà hàng thắp nến để thay cho bóng điện trong thời gian "Giờ trái đất", (năm nay việc này ít hơn các năm trước tuy nhiên vẫn có) hành động này là tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường hay là hành động hủy hoại môi trường?

Thắp nến để tiết kiệm điện ư? Cũng đúng đấy nếu chỉ xét trên mặt tiết kiệm điện thôi nhưng nếu tính chi phí xem nếu như tất cả người dân đều hưởng ứng và thắp nến thay vì thắp đèn điện thì nó sẽ khác đấy.

Giả sử cứ 5 người thắp một cây nến và giá một cây nến khoảng 2.500đ/cây thắp hết trong 1 giờ thì nước mình có khoảng 87 triệu dân sẽ cần dùng đến xấp xỉ 17,4 triệu cây nến chi phí phải bỏ ra để mua số nến này khoảng 43,5 tỷ đồng.

Trong khi nếu cứ 5 người dân thắp 1 bóng đèn điện có công suất khoảng 60w thì liệu có hết 43,5 tỷ đồng trong 1 giờ không?

Lượng khí thải của việc thắp 1 cây nến so với thắp 1 bóng đèn điện thì cái nào cao hơn? Chưa có số liệu thống kê nhưng mình cam đoan là việc thắp nến sẽ thải ra lượng khí thải cao gấp nhiều lần so với thắp một bóng đèn.

Với mức chi phí đó thì nên chọn cách nào? Thắp điện hay thắp nến? Một dấu hỏi nữa cho việc tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường???

Bản chất của chương trình là hết sức tốt đẹp nhưng cách thức vận động, cách thức hành động thì có vẻ như là hơi ngược!

CÓ NÊN ĐUỔI VIỆC NGƯỜI ĐI CHƠI?


Ngày hôm qua, trên các trang báo đưa tin ông Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình đi "Vi hành" để kiểm tra việc cán bộ bỏ công sở ra ngoài uống cà phê, một số cán bộ đã bị ông bắt quả tang khi đang uống cà phê. Bình luận về vấn đề này, có một số ý kiến cho rằng nên đuổi việc những cán bộ "ăn cắp" thời gian của nhà nước.


Mình không ủng hộ việc cán bộ, công chức (sau đây gọi chung là người lao động - NLĐ) bỏ công sở để ra ngoài uống cà phê nhưng nếu chỉ căn cứ vào việc này mà đuổi việc NLĐ thì mình không đồng tình cho lắm. Tổ chức nên gắn với hiệu quả thực hiện công việc để có cách xử lý phù hợp chứ không nên cứ thấy NLĐ bỏ ra ngoài là đuổi việc.

Nếu gắn với hiệu quả thực hiện công việc thì có thể chia làm hai trường hợp: NLĐ bỏ ra ngoài chơi và không hoàn thành công việc; NLĐ bỏ ra ngoài chơi nhưng vẫn hoàn thành công việc. Trong mỗi trường hợp này nên đưa ra các hình thức xử lý khác nhau.

Nếu NLĐ bỏ ra ngoài mà công việc không hoàn thành thì đây chính xác là hành động ăn cắp thời gian của nhà nước, ăn cắp thời gian của tổ chứ, phải xử lý đến nơi đến chốn.

Còn trường hợp NLĐ bỏ ra ngoài nhưng vẫn hoàn thành công việc mà lại đuổi việc thì không hợp lý lắm. Người ta đi chơi nhưng vẫn hoàn thành công việc thì đâu có gì là nghiêm trọng. Trong trường hợp này tổ chức cần đánh giá xem người này có năng suất lao động cao hay khối lượng công việc được giao của người ta quá ít? 

Nếu khối lượng công việc được giao theo đúng định mức mà người ta hoàn thành và vẫn đi chơi được thì chứng tỏ người này có năng suất lao động cao. Người bình thường phải làm mất 8 tiếng nhưng người ta chỉ làm mất có 6 tiếng thậm chí chỉ mất 4 tiếng thì thời gian còn lại người ta chẳng đi chơi thì làm gì? Có bắt người ta ở lại trong công sở thì người ta cũng chỉ chơi chứ còn làm gì? Gượng ép như vậy tổ chức cũng chẳng được gì thậm chí còn tốn thêm tiền điện nếu người ta ngồi chơi game, mà người lao động cũng cảm thấy không được thoải mái. Nếu muốn NLĐ bớt đi chơi thì tổ chức nên giao cho người ta thêm một số công việc khác nữa để người ta làm chứ không nên đuổi việc, nếu đuổi những người như vậy thì tổ chức đã bỏ đi cơ hội sử dụng NLĐ giỏi.

Nếu khối lượng công việc giao cho người ta quá ít thì tổ chức nên xem xét giao cho NLĐ thêm công việc để người ta làm, như thế vừa tăng hiệu quả thực hiện công việc của tổ chức, tinh giản được biên chế mà NLĐ lại bớt được sự nhàm chán trong công việc. Được giao công việc phù hợp với năng lực tự nhiên NLĐ sẽ bớt đi chơi ngay.

Trong bối cảnh hiện nay các tổ chức xây dựng hệ thống định mức lao động phù hợp để quản lý NLĐ theo khối lượng công việc và đánh giá NLĐ dựa trên năng suất lao động chứ không nên cứng nhắc bắt người lao động cứ nhất nhất phải làm việc 8 tiếng/ ngày.

CƠ SỞ CỦA HIỆN TƯỢNG "PHI CÔNG TRẺ LÁI MÁY BAY BÀ GIÀ"

Gần đây, người ta hay nói về chuyện "Phi công trẻ" và "máy bay bà già", đây là chủ đề được nhiều người quan tâm. Đọc nhiều nó cũng nhiễm tí vào đầu nên viết vài dòng về xu hướng này.

Theo truyền thống xưa nay, con trai thường lấy vợ kém tuổi mình và con gái lấy người hơn tuổi. Càng ngày, độ chênh lệch tuổi giữa vợ và chồng càng được nới thêm, con gái thường lấy chồng hơn vài tuổi, có khi đến hơn chục tuổi. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đi ngược với xu hướng là con trai lại lấy vợ hơn tuổi mà người ta hay gọi là "Phi công trẻ lái máy bay bà già", nghe thì có vẻ ngược nhưng nếu xét trên góc độ tuổi thọ thì đây lại là điều hợp lý. Những phân tích dưới đây sẽ chứng minh cho sự hợp lý ấy.

Theo số liệu thống kê sức khoẻ thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 72, trong đó nữ là 75 tuổi và nam là 70 tuổi.

Theo "Toàn cảnh Dân số thế giới, 2008" của Liên hợp quốc, vào năm 2050, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam sẽ là 80,4 trong đó nữ là 82,5 tuổi, nam là 78,2 tuổi.

Như vậy, hiện nay tuổi thọ của nữ cao hơn nam 5 tuổi, đến năm 2050 nữ vẫn cao hơn nam 4,3 tuổi. Không tính các trường hợp cá biệt, nếu hai vợ chồng bằng tuổi nhau thì các cụ ông sẽ "ra đi" trước các cụ bà khoảng vài năm, nếu cụ ông lại hơn các cụ bà khoảng 5-10 tuổi thì cụ ông sẽ "ra đi" trước các cụ bà khoảng 10-15 năm (tính theo tuổi thọ trung bình hiện nay).

Trong các đám cưới người ta hay chúc những tân lang, tân nương sống với nhau đến "Đầu bạc răng long" nhưng nếu xu hướng truyền thống (trai lấy vợ kém tuổi) vẫn được duy trì thì lời chúc "đầu bạc, răng long" hơi khó thành hiện thực. Nếu muốn được sống với nhau đến "đầu bạc răng long" thì con gái nên lấy chồng trẻ hơn đến vài tuổi.

Nếu như tất cả con gái đều lấy chồng hơn tuổi thì trong vòng vài chục năm tới, Việt Nam sẽ xuất hiện một số lượng góa phụ vô cùng lớn. Mình chưa hình dung ra được xã hội mà có tỷ lệ góa phụ cao thì nó sẽ như thế nào? Không biết đây là lợi thế hay khó khăn nữa. Thôi thì cứ để "hồi sau sẽ rõ" vậy!

Như vậy, có thể khẳng định rằng, nếu xét ở khía cạnh tuổi thọ thì hiện tượng "Phi công trẻ lái máy bay bà già" là hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên và có cơ sở khoa học. Cá nhân tôi không phản đối cũng như không ủng hộ xu hướng này, tuy nhiên, cũng mong xã hội có cái nhìn khách quan hơn với hiện tượng này.

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

ĐỐI TƯỢNG TẠO VIỆC LÀM Ở NÔNG THÔN

Ảnh: Sưu tầm
Tạo việc làm cho lao động nông thôn là điều hết sức cần thiết trong điều kiện nước ta hiện nay. Lao động nông thôn có đặc điểm là lao động thời vụ, thừa lao động nhưng lại thiếu. Khi đến vụ thì cần một lượng lớn lao động nhưng khi hết vụ thì lượng lao động này lại không có việc làm nên công tác tạo việc làm gặp một số khó khăn nhất định. Chính vì vậy việc phân chia các đối tượng trong lao động nông thôn để có những chính sách tạo việc làm là rất cần thiết.



Ruộng là một trong những tư liệu hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy trong bài viết này tôi lấy ruộng là tiêu chí đê phân chia các thành các nhóm lao động nông thôn. Theo tiêu chí này thì có thể chia thành 3 nhóm chủ yếu: Lao động có ruộng; Lao động không có ruộng và Lao động bị mất ruộng.

LAO ĐỘNG CÓ RUỘNG: Là những người lao động được chia ruộng theo Luật đất đai năm 1993. Theo quỹ đất của từng xã, thôn mà mỗi lao động được chia từ 1-3 sào (1 sào bằng 360m2). Đây là những người sinh trước thời điểm ban hành luật đất đai năm 1993.

Đây là nhóm lao động có việc làm nhưng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động còn thấp, nhóm này rất cần việc làm trong những lúc nông nhàn. Theo kết quả khảo sát tại tại một loạt các hộ gia đình nông dân ở một số địa phương cho thấy: ở Vĩnh Tường, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thời kỳ nông nhàn chiếm gần 60%, ở Chương Mỹ (Hà Nội) chiếm 52%, ở Sóc Sơn (Hà Nội) chiếm 55,4%, Đô Lương (Nghệ An) chiếm 51,7%, Hướng Hóa (Quảng Trị) chiếm 62% .... Theo kết quả khảo sát trên thì tỷ lệ sử dụng thời gian là rất thấp, khoảng 50-60% thời gian lao động trong một năm, đây là tỷ lệ rất thấp so với những lao động làm việc trong các ngành nghề khác và so với nhu cầu của người lao động.

Việc tạo việc làm cho đối tượng này lại gặp phải một số khó khăn do người lao động chỉ làm được trong lúc nông nhàn, khi đên vụ lại phải trở về làm ruộng, thời gian làm ruộng lại không tập trung mà rải rắc ở các thời điểm trong năm nên cần phải có chính sách tạo việc làm đặc thù để vừa đảm bảo được việc làm trong nông nghiệp lẫn việc mới được tạo.

LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ RUỘNG: Là lao động sinh sau năm 1993 (sau thời điểm luật đất đai được áp dụng) mà không được thừa kế ruộng của bất kỳ ai. Nhóm đối tượng này xuất hiện do chính sách giao đất ổn định cho người dân trong 20 năm (đối với đất trồng cây hàng năm), theo đó nhà nước sẽ sử dụng quỹ đất hiện có để chia cho toàn bộ người dân ở thời điểm chia ruộng (năm 1993) nên những người sinh sau thời điểm chia lại ruộng sẽ không được chia ruộng. Một phần nữa là do tập tục ở quê là chỉ cho con trưởng thừa kế đất ruộng để hương hỏa các cụ nên những người sinh sau năm 1993 không phải là con trưởng trong gia đình sẽ không có ruộng. Trong dự thảo luật đất đai 2012 thì ruộng sẽ tiếp tục được giao cho người dân lâu hơn 20 năm (50 năm) nên nhóm đối tượng này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Hiện nay tồn tại một nghịch lý ở nông thôn là người sống thì không có đất còn người chết thì lại có đất nên dẫn đến hiện tượng "Người sống phải đi làm thuê cho người chết", hiện tượng này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, đến năm 2007 (thời điểm 1 năm sau số người sinh năm 1993 sẽ được bổ sung vào LLLĐ), dân số trong nhóm tuổi từ 10-14 ở nông thôn là 6,500,759 người, như vậy đến nay (2013) lực lượng này đã và đang bổ sung vào lực lượng lao động (có thể là một phần hoặc toàn bộ). Đây là thách thức rất lớn cho công tác tạo việc làm cho lao động nông thôn.

LAO ĐỘNG BỊ MẤT ĐẤT: Đây là nhóm đối tượng xuất hiện trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhóm đối tượng này được tăng lên theo từng năm.

Khi bị thu hồi đất, những người bị mất đất được bồi thường và hỗ trợ về kinh phí để học nghề nhưng rất ít người sử dụng đúng số tiền đó vào mục đích học nghề, tạo việc làm cho mình mà lại sử dụng để xây nhà, mua xe...nên một số lượng lớn rơi vào tình trạng thất nghiệp. 

Ở một số nơi khi bị thu hồi đất, người lao động được ưu tiên nhận vào làm việc tại chính doanh nghiệp đóng trên diện tích đất của mình nhưng do trình độ không đáp ứng được, hoặc chưa quen với công việc nên phải nghỉ, hoặc có những trường hợp do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất nên bị mất việc. Hiện nay cũng tồn tại việc một số doanh nghiệp ở các KCN không tuyển lao động bản địa do những thanh niên ở đây khi được tuyển vào thường xuyên gây gổ đánh nhau gây mất trật tự, an ninh trong công ty, nên tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này ngày càng tăng. Những lao động này là đối tượng hết sức cần phải tạo việc làm vì đi cùng với đô thị hóa là rất nhiều các vấn đề xã hội phát sinh, nếu không có việc làm ổn định những đối tượng này rất dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Việc chia nhóm đối tượng trong lao động nông thôn là cần thiết, căn cứ vào đó để những nhà hoạch định chính sách hiểu được mức độ cần thiết của tạo việc làm cho từng đối tượng để có thể đề ra những chính sách phù hợp với từng nhóm lao động.

CÁI SAI KHI CHỌN MẪU

Ảnh: Sưu tầm
Mình về quê, có khoảng chục người hỏi giờ làm ở đâu, mình nói dối là làm ở cơ quan nhà nước (nói thế cho oai tí). Với câu trả lời như thế mình nhận được những câu nói như thế này: Mày xin vào đấy mất bao nhiêu tiền? (có 6 người hỏi như vậy); Giỏi thì chỗ nào chẳng nhận (1 người); Mày quen ai ở đấy? (3 người). Mình nghe thấy lạ quá, chỉ cười trừ, không hiểu tại sao người ta lại nói với mình như thế? Cố suy luận để lý giải vấn đề này.


Câu nói: "GIỎI THÌ CHỖ NÀO CHẲNG NHẬN" thì đúng rồi, chẳng có gì bàn cãi rồi, lâu nay người ta vẫn rất coi trọng người tài, nhất là ở quê thì những người được học hành nhiều được mọi người rất quý, chỉ có điều có ít người nói như vậy quá.

Câu hỏi: "MÀY CHẠY VÀO ĐẤY MẤT BAO NHIÊU TIỀN?" thì lạ lắm, lạ vô cùng. Tại sao những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn lại có những suy nghĩ như vậy nhỉ? Phải chăng giờ cứ xin vào cơ quan nhà nước là phải mất tiền? Không phải, rõ ràng một đoàn cán bộ thanh tra của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ Hà Nội thanh tra đã khẳng định là không có chuyện nhận tiền trong thi công chức mà. Một ông Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội làm sao bằng được cả một đoàn thành tra của Bộ, của Sở được; Mấy ông nông dân thì làm có biết gì về thanh tra, kiểm tra đâu mà lại nói thế. Lạ quá, vậy thì vì sao nhỉ? À, hay là do người nông dân bây giờ cứ động xin ai cái gì, nhờ ai cái gì là phải tiền nhỉ? Nghĩ đi nghĩ lại thì vẫn thấy không đúng, người nông dân trọng tình trọng nghĩa lắm, làm gì có chuyện động cái là tiền được. Vậy những câu hỏi như này là không có cơ sở rồi, người ta cố tình hỏi đểu mình thôi.

Thế còn câu hỏi: "MÀY QUEN AI Ở ĐÂY?" thì sao? Câu này nghe rất hợp lý, so với kết luận của đoàn thanh tra Bộ Nội vụ và Sở nội vụ Hà Nội kết luận thì chuẩn không cần chỉnh. Chỉ có chuyện quen người ta mới xin cho thôi chứ làm gì có chuyện tiền nong gì. Đúng quá đi thôi, ý của dân và ý của cán bộ trùng nhau là một điều hết sức tốt đẹp.

Nếu như coi đây là một cuộc điều chọn mẫu xã hội học với kích thước mẫu là 10 thì kết quả thu được là thế này: Có 60% người dân nói là xin vào cơ quan nhà nước mất tiền; 10% nói là vào được là do năng lực thực sự; 30% cho rằng do quen biết. Nếu người nào đó sử dụng kết quả này để làm tài liệu phân tích thì sai bét, kết quả trái ngược với thực tế. Bởi vì sao nó sai? Có lẽ sai là do kích thước mẫu quá bé, 10 người so với gần 6 triệu dân của Hà Nội là quá nhỏ, so với khoảng 87-88 triệu dân của nước mình thì nhỏ vô cùng. Kinh nghiệm là không nên chọn mẫu quá nhỏ, nếu chọn mẫu quá nhỏ mà lại đem kết quả thu được đi phân tích và kết luận là "60% người dân Việt Nam cho rằng xin việc vào cơ quan nhà nước phả mất tiền" thì sai vô cùng.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

AI TO HƠN AI!

Thông thường trong các buổi Đại hội, Hội nghị, họp... người ta thường kính thưa những người to trước rồi đến những người nhỏ. Nhưng trong một số trường hợp thì mình thấy cái điều này có vẻ chưa hợp lý, không biết là mình nghĩ sai hay là người ta phát biểu nhầm nữa!

Ở các công ty khi có một cuộc họp người ta thường kính thưa ông Tổng giám đốc, Giám đốc...rồi kính thưa các nhân viên. Cái này thì đúng chẳng có ai cãi gì vì đương nhiên ở một công ty ông Tổng Giám đốc là to rồi. Nhưng trường hợp dưới đây thì mình hơi thắc mắc chút.

Mình về quê, đi xem các buổi giao lưu văn nghệ, những người tham dự bao gồm: Nhân dân, ông Chủ tịch xã, ông bí thư chi bộ, ông Trưởng thôn...khi phát biểu người ta kính thưa thế này: 
Kính thưa ông A - Chủ tịch UBND xã
Kính thưa ông B - Bí thư chi bộ
Kính thưa ông C - Trưởng thôn
và vài cái kính thưa nữa rồi chốt lại là: Kính thưa toàn thể nhân dân.

Phát biểu như vậy có theo quy tắc là người to kính thưa trước, người nhỏ kính thưa sau không nhỉ? Liệu có sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tế không nhỉ?

Hầu hết các cán bộ đều hiểu rất rõ câu trong di chúc của Bác là cán bộ, Đảng viên "là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" và đều thừa nhận nó. Như vậy, so với nhân dân thì cán bộ phải nhỏ hơn nhân dân chứ, đầy tớ thì làm sao to hơn ông chủ được. Suy rộng ra một chút, nếu người nào càng là đầy tớ của nhiều người thì càng nhỏ chứ, nghĩa là ông trưởng thôn là đầy tớ của 1 thôn thì ông phải to hơn ông chủ tịch xã là đầy tớ của 1 xã chứ.

Như vậy rõ ràng nhân dân thì phải to hơn mấy ông Chủ tịch xã, trưởng thôn chứ...Nếu theo cái quy tắc kính thưa thì phải kính thưa Nhân dân trước rồi mới kính thưa mấy ông kia chứ!

Liệu có sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tế không hay là ở đây người ta kính thưa ngược lại (tức là kính thưa từ ông nhỏ đến ông to) nhỉ?
(Bài viết của tác giả đăng trên báo Vietnamnet http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/124398/ai-to-hon-ai-.html)

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ!

Ảnh: Sưu tầm
Xin phép nhà văn Edmondo De Amicis vì đã lấy tên cuốn sách của ông để đặt tên cho tiêu đề này của tôi nhưng do không thể tìm kiếm được câu nào hay hơn nên đành phải dùng câu này để đặt tiêu đề cho hành động tôi kể dưới đây.

Vì trọng nghĩa, trọng tình mà bị kỷ luật, bị giáng chức, thuyên chuyển công tác,...một hành động thật cao đẹp, một tấm lòng cao cả. Đó là câu chuyện gần đây của một huyện thuộc thành phố Hà Nội.

Đọc trên báo chí tôi thấy rầm rộ tin tức về chuyện chạy biên chế mất không dưới 100 triệu nhưng sự thực thì không phải như vậy, đó chỉ là tin đồn thôi. Hôm nay mình ngồi đọc báo thấy mấy vị bị kỷ luật trả lời báo chí thì mình khẳng định chuyện đó xảy ra ở đâu ý, chắc ở sao Hỏa hay Sao Kim gì đó chứ không có ở Hà Nội.

Chuyện xin nâng điểm là có thật, nhưng chuyện mất "không dưới 100 triệu" để được vào biên chế là hoàn toàn không có. Các vị bị kỷ luật, bị giáng chức, bì thuyên chuyển là do đã nhờ nâng điểm nhưng các vị hoàn toàn không nhận một chút tiền nào, các vị nhờ là do chỗ thân quen thôi, người thì là con của chị bạn thân, người thì nhờ giúp con của thầy giáo cũ...Một hành động thật cao thượng, chắc hẳn các vị cũng phải có một tấm lòng cao cả mới làm được những việc cao thượng như vậy. Tấm lòng của các vị, hành động của các vị thật đáng kính biết bao!

Nếu tôi là các vị ấy thì sẽ không làm như vậy đâu. Phải mất bao nhiêu công học hành mới được vào biên chế, mất bao nhiêu năm phấn đấu mới có được cái biển "Phó trưởng phòng" và phải mất bao nhiêu năm mới bỏ được chữ "Phó" kia đi, vậy mà giờ chỉ vì một hành động không đáng giá một xu mà bao công sức bị đổ bể.

Nếu tôi là các vị thì tôi sẽ phải lấy không chỉ 100 đâu mà phải lấy vài trăm triệu cho xứng với hành động đó, cho bõ cái công phấn đấu, rèn luyện. Tại sao các vị lại dại dột đến mức không nhận tiền nhỉ? Cứ nhận đi, có sao đâu, có ai chụp ảnh, quay phim để ghi lại những khoảnh khắc ấy đâu mà sợ, và cũng chẳng có ai ghi hóa đơn, biên lai cho những hành động đó đâu mà sợ, và đương nhiên không ghi lại thì chẳng có Thanh tra nào, cảnh sát nào tìm ra được chứng cứ để mà kết tội cả. Và nhận để chẳng may có bị hạ cánh thì cũng có "sân bay" mà mà hạ chứ.

Nếu tôi là các vị thì tôi còn nhờ nhiều hơn thế, người quen, người thân...thì cứ nhờ hết, nhờ cho cái bọn mọt sách nó hết đường chen chân vào. Chúng nó kêu à? kệ chúng nó chứ; Chúng nó than à? Kệ chúng mày...ai bảo bố mẹ chúng mày sinh ra không có quyền, không có tiền, không có địa vị, ai bảo chúng mày không biết đường lộn vào nhà quan mà hưởng sung hưởng sướng...Các cụ đã có câu rồi "Con vua thì lại làm vua" chúng mày biết rồi còn cố mà chen chân vào làm gì.

Ôi thôi chết! Mải nói tôi lại hồ đồ quá rồi! Sao tôi lại có thể đem suy nghĩ của tôi - Suy nghĩ của con sâu, con mọt chỉ biết đục khoét của dân để so sánh với các vị chứ! Hổ thẹn quá! Hổ thẹn quá! Các vị mà đọc được những dòng này của tôi chắc các vị ghét tôi đến thậm tệ, những suy nghĩ của con sâu, con mọt như tôi làm sao sánh được với các vị!

Tôi tự thấy hổ thẹn quá trước những hành động thật cao thượng của các vị, trước những tấm lòng thật cao cả của các vị! Các vị là người có những tấm lòng cao cả!

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

HAI CÂU CHUYỆN VỀ PHÁT HIỆN NHÂN TÀI!

Ảnh: xaydungdang.org.vn
Đọc trên Wikipedia mình thấy câu chuyện thế này: "Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Việc bị phát giác, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ (ngày 7 tháng 9 âm lịch), rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên (21 tháng 1 âm lịch năm Nhâm Dần, 1842). Suốt thời gian dài bị giam cầm, ông thường bị nhục hình tra tấn. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội "trảm quyết" xuống tội "giảo giam hậu", tức được giam lại đợi lệnh."

Đây là hành động trái quy định nhưng người đời sau lại ca ngợi hành động này của Cao Bá Quát là hành động đẹp, hành động của ông xuất phát từ việc phát hiện nhân tài, vì người tài có thể hy sinh quyền lợi của bản thân.

171 năm sau, câu chuyện Cao Bá Quát sửa điểm lại lặp lại ở Hà Nội. 16 thí sinh được nâng điểm trong đợt thi công chức ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), có khá nhiều ông to bị xử lý kỷ luật, giáng chức, thuyên chuyển công tác.... Đọc những lời các ông trả lời trên báo chí tôi nghĩ thế này: Có lẽ là do các ông này đã phát hiện được nhân tài cho đất nước nên cố tình "nhờ" nâng điểm để không bị lãng phí nhân tài phục vụ cho đất nước. Như vậy là các ông đã dám hy sinh quyền lợi của mình để phát hiện nhân tài, tạo cơ hội cho người tài phát triển rồi. Hành động của các ông là hành động đẹp đấy chứ!

Liệu 100 năm nữa lịch sử có ngợi khen những ông này như đã từng ngợi khen Cao Bá Quát, Phan Nhạ không nhỉ?

CHUYỆN ĐI ĐƯỜNG

Ảnh: suckhoedoisong.vn
Trên đường đi làm về, thỉnh thoảng mình thử đi đằng sau một chiếc ô tô, sau vài lần thử mình nhận thấy thế này:

Đi sau ô tô thi đường sẽ rất rộng, nhất là ở những đoạn đường tắc thì cứ từ từ mà tiến theo ô tô thôi chẳng phải tranh đường với ai vì đã có ô tô đi trước dẹp đường rồi; Trời rét này đi sau ô tô thì cảm thấy ấm hơn vì được ô tô chắn gió cho...


Tuy nhiên, khi đi đằng sau ô tô thì mình không thể đi nhanh được vì cứ phải đợi khi nào ô tô tiến lên được thì mình mới đi được, đặc biệt khi ô tô bị tắc đường thì cứ đi đằng sau xe mãi mà hít khói; Đi đằng sau ô tô mình chẳng biết đằng trước có những gì vì chỉ nhìn thấy mỗi cái ô tô trước mặt, nếu muốn biết phía trước thế nào thì chỉ có nhìn qua gầm xe mới nhìn được một chút...

Sau vài lần như thế mình chẳng đi sau ô tô nữa, đi ra ngoài phải chen lấn một chút, lạnh một chút...nhưng được nhìn đường, chỗ nào không tắc thì cứ thế phi chẳng phải chờ đợi gì.

MỘT VÍ DỤ VỀ CÁCH DÙNG TỪ XƯA VÀ NAY

Ảnh: www.tuhai.com.vn
Ở một làng nọ, sau nhiều năm hội làng bị thất truyền đến nay người ta muốn khôi phục lại hội làng, mọi công việc đã được chuẩn bị đầy đủ chỉ chờ ngày tổ chức lễ hội. Một trong những điều làm nên thành công của hội đó là màn rước kiệu, sau một hồi tuyển chọn và vận động ban tổ chức đã lựa chọn được 15 nam, nữ đội hình rất đồng đều, đẹp (nam cao 1m70, nữ cao 1m60). Mọi chuyện đã được sẵn sàng cho ngày hội, ông trưởng ban tổ chức cho gọi các nam nữ thanh niên ra để căn dặn một số điều khi rước kiệu, trong những lời ông nói có một câu như thế này:

- Rước kiệu là một việc hết sức linh thiêng nên phải cần đội ngũ trai tân, gái tân như các cháu, như vậy mới phù hợp với hội làng truyền thống của các cụ nhà ta ngày xưa.

Ngay ngày hôm sau, trong số 15 người ấy thì có đến gần nửa xin rút lui vì rất nhiều lý do: Người thì bảo bị đau chân, người thì đau lưng, người thì có việc bận đột xuất... Gần đến ngày rồi nên ban tổ chức hết sức đau đầu để tìm được đủ người rước kiệu, may quá cuối cùng cũng tìm được người thay thế. 

Sau khi kết thúc hội làng Ban tổ chức mới ngồi họp để tổng kết và đánh giá lại hội làng, vấn đề này được đưa ra, rất nhiều ý kiến được đưa ra nhưng có một ý kiến của thành viên ban tổ chức đưa ra được đa số mọi người chấp nhận đó là: Từ sang năm chỉ nên đưa ra yêu cầu là trai chưa vợ, gái chưa chồng là có thể rước kiệu được. 

Nghe nói năm sau tổ chức người ta chỉ nhắc đến cụm từ "Trai chưa vợ, gái chưa chồng" thôi chứ không ai dám nhắc lại cái câu của ông Trưởng ban tổ chức năm ngoái đã nói và kết quả là mọi chuyện đều suôn sẻ. 

Đấy, giờ không dùng từ như ngày xưa các cụ dùng được đâu, câu nói của ông Trưởng ban tổ chức nếu đặt vào cái ngày xưa thì nó chẳng ảnh hưởng gì nhưng bây giờ thì...kết quả nó minh chứng rồi đấy.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

XE ĐẸP! NGƯỜI?

Ảnh: Sưu tầm
"Xe SH mà phải dựng chỗ này à?" Mình vẫn nhớ như in câu nói này của một em sinh viên nữ học ở trường mình.
Ngày còn đi trông xe mình trông bãi xe ga, thông thường xe ga có một bãi riêng và xe số có một bãi riêng (bãi để xe ga có mái che còn xe số không có mái che). Có một lần khi bên trong nhà xe đã trật kín xe, có một em sinh viên nữ đi xe SH tới mình chỉ tay vào bãi xe không có lán, em này không chịu vào nhưng mình đứng chặn trước bắt phải rẽ vào nên em đành miễn cưỡng phải cho xe vào bãi dựng. Sau khi dựng xong em ý có vẻ tức tối nói: "SH mà phải dựng chỗ này à?" rồi quay đi. Mình chẳng nói gì, cứ làm việc.

Chắc là em ý nghĩ là do xe SH nó xịn, nó đắt tiền nên phải được ưu tiên dựng vào chỗ VIP, và chắc em ý cũng nghĩ là khi em ý đi cái xe đắt tiền thì sẽ được mọi người nể, mọi người tôn trọng.

Đúng là xe ga thì được ưu tiên dựng vào bãi trong có lán che nhưng không phải như em ý nghĩ đâu, người ta cho xe ga để trong đấy vì người ta lo cái xe bị mất thì sẽ phải đền nhiều hơn xe số thôi (tức là người ta nghĩ đến lợi ích của người ta thôi) chứ chẳng có sự ưu tiên, chẳng có sự nể trọng gì cả.

Cái xe của em đẹp thật đấy, đắt tiền thật đấy và có thể em cũng xinh đấy nhưng không phải chỉ vì thế mà em được tôn trọng đâu. Xe nó đẹp, nó đắt tiền nhưng nó chỉ có giá trị với em thôi chứ với người khác thì nó chẳng là cái gì cả. Em có đi xe SH hay đi xe đẹp hơn thế, đắt hơn thế mà lời nói, hành động, tâm hồn của em không đẹp thì em cũng chẳng là gì cả, có phải ai khoác áo cà sa cũng làm được thầy tu đâu? vậy nên đừng nghĩ rằng mình giàu, mình có tiền, mình đi xe đẹp, mình xinh là mọi người PHẢI tôn trọng mình.

NỀN VĂN MINH CHƯA ĐƯỢC KHAI SÁNG?

Ảnh: Sưu tầm
Khi mình mở bài "Chính là anh" (do Khắc Việt sáng tác) cho một cậu bé lớp 12 ở một vùng quê xa xa nghe. (Nghe nói phụ nữ ở đây sống rất "chuẩn" chính vì vậy nên đàn ông đương nhiên tôn trọng cái "chuẩn" của phụ nữ).

Khi nghe xong bài hát này cậu bé nói với tôi rằng: "Anh ơi sao những cặp vợ chồng ở ngoài thành phố người ta tình cảm vậy, chẳng giống như ở quê em gì cả?" tôi hơi bất ngờ về câu hỏi này và hỏi lại cậu bé: "Tại sao em lại nói vậy? Đây đâu phải là vợ chồng?"

Cậu bé nói với tôi rằng: "Anh cứ đùa em chứ nghe qua là em biết đây là cuộc sống của vợ chồng, anh nghe cái đoạn đầu "CỨ MỖI SÁNG THỨC DẬY - BÊN CẠNH ANH LUÔN CÓ MỘT VÒNG TAY - CỨ MỖI SÁNG THỨC DẬY - ANH LẠI NHẬN ĐƯỢC MỘT NỤ HÔN" mà xem, chẳng là vợ chồng thì là gì? Nếu không là vợ chồng thì làm sao có chuyện cứ mỗi sáng thức dậy bên cạnh đã có một vòng tay, rồi lại cứ mỗi sáng lại nhận được một nụ hôn.

Nếu là hai người chưa là vợ chồng thì chẳng lẽ cứ mỗi sáng cô gái lại chạy đến nhà chàng trai ÔM một cái, HÔN một cái rồi về à? Điều đó là hết sức vô lý, cho dù có là "hàng xóm" của nhau thì cũng ít người làm như thế."

- Ờ...ờ...ờ... Tôi đành phải ậm ờ.

Nói thật là từ trước đến giờ mình cũng chưa nghĩ được những điều cậu bé nghĩ. Mình đang tự hỏi liệu có phải là nền "văn minh" chưa đến được vùng quê đó không? Có nên "khai sáng" vùng quê đó không?

Nếu như một ngày những ca khúc kiểu như này được lưu truyền rộng rãi ở vùng quê đó và tất cả những đứa trẻ khi vừa mới lớn lên nó đã được tiếp xúc với ca khúc đó và nó "hiểu nhầm" là yêu nhau và nó mặc định hiểu yêu nhau là phải thế thì sẽ thế nào? Và liệu khi đó phụ nữ ở đó có còn "chuẩn" nữa không? Liệu đàn ông ở đó còn tôn trọng cái "chuẩn" của phụ nữ nữa không?
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp chăng?

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

MỘT TRƯỜNG HỢP CỦA ĂN BẨN

Ảnh: Sưu tầm
Dạo này tự nhiên mình lại có hứng đọc mấy cái thông tin về nông nghiệp, cách đây ít ngày mình có đọc được bài viết về hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa trên trang điện tử của tỉnh Hà Nam, ngồi đọc bất chợt ngẫm đến cái sự "ăn". Ngẫm đi ngẫm lại sao thấy cái PHẢI CHO ĂN của người nông dân và cái ĐƯỢC ĂN (ăn của nông dân) của một số người sao mà nó bẩn thế không biết.

Theo hướng dẫn thâm canh lúa thì trung bình một sào (360m2) người nông dân phải bón khoảng 300 - 500kg phân chuồng, Phân đạm urê: 5 - 6kg, phân NPK (5:10: 3): 20 - 25 kg, phân Kali: 5 - 6kg cho một sào như vậy tổng cộng khoảng 433 kg phân/ sào/ vụ (Cộng như này nó không được khoa học cho lắm nhưng thôi cũng tạm chấp nhận). Ngoài lượng phân kia ra người nông dân còn phải bỏ ra biết bao mồ hôi, công sức, đôi khi còn cả máu nữa nhưng thôi, tôi không xét đến những yếu tố này nữa.

Năng suất lúa trung bình của quê tôi là khoảng 220-250kg, thôi cứ lấy 250 kg/sào cho nó nhiều.
NHƯ VẬY TÓM TẮT LẠI THÌ NÓ NHƯ THẾ NÀY:
433 kg phân => 250 kg lúa HAY: 433 kg phân => 1.450.000 đồng
299 kg phân => 172 kg lúa HAY: 299 kg phân => 1.000.000 đồng

Như vậy có nghĩa là nếu người nông dân PHẢI cho ai đó ĂN 1.000.000 đồng tức là người ta PHẢI cho ai đó ĂN khoảng 172 kg thóc (Năng suất của 0.69 sào ruộng) hay nói cách khác là khi người nông dân PHẢI cho ai đó ĂN 1.000.000 đồng tức là người ĐƯỢC ĂN ăn 299 kg phân của người nông dân. Ăn như vậy thì bẩn lắm, bẩn vô cùng, thế nên có ăn đâu thì ăn chứ đừng ăn của nông dân làm gì, ăn như thế tổn thọ lắm!

Cái bẩn này chắc nhiều người biết lắm nhưng tại sao vẫn có người ăn bẩn nhỉ? Thực ra thì chẳng ai muốn ăn bẩn như thế đâu nhưng khốn nỗi nông dân lại chiếm gần 70% dân số nước mình thì tránh sao được, tránh mấy ông này ra thì ăn của ai? Mà chỉ ăn của mấy ông thấp cổ bé họng này nuốt nó mới dễ chứ ăn của mấy ông to cổ, to họng nuốt khó lắm. Vậy nên đôi khi người ta vẫn chấp nhận ăn bẩn rồi tặc lưỡi bảo "ăn bẩn sống lâu, thằng Tàu bảo thế".

Nói như vậy chắc sẽ có người thắc mắc là bình thường người nông dân chẳng ăn lúa, ăn gạo thì ăn gì? Như thế chẳng phải là nông dân tự ăn phân của mình à? Nông dân cũng ăn gạo nhưng không phải là người ta tự ăn phân đâu, đó là người ta ăn mồ hôi, ăn công sức của người ta thôi, chỉ khi nào mà người ta PHẢI CHO ĂN thì nó mới bẩn thôi. Khi bạn đem tiền ra chợ mua gạo về ăn tức là bạn đem mồ hôi của mình, công sức của mình để đổi lấy mồ hôi, công sức của nông dân, như vậy thì không có gì là bẩn cả. Cái bẩn nó chỉ đúng khi mà người ta PHẢI cho ai đó ĂN thôi :D

Khi nghĩ về cái sự ăn mà tôi nói trên thì phải hiểu nó theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng thì nó mới đúng được, nếu chỉ hiểu theo một nghĩa thôi thì nó chưa chắc đã đúng đâu.

BAO GIỜ NÔNG DÂN ĐƯỢC VÀO BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC?

Ảnh: Sưu tầm

Nông dân thì đừng có mà mong được vào biên chế nhà nước! Câu nói nghe có vẻ chua chát đấy nhưng nó là sự thật nếu như lời của ông Trưởng ban Kiểm tra thành ủy Hà Nội ông Trần Trọng nói là đúng.

Hôm trước đọc bài báo thấy ông Trưởng ban Kiểm tra thành ủy Hà Nội ông Trần Trọng Dực nói chạy biên chế vào nhà nước mất không dưới 100 triệu, chẳng biết con số chính xác là bao nhiêu? "không dưới" nghe nó mơ hồ lắm, "không dưới 100 triệu" tức là trên 100 triệu, nó có thể là 100, 200, 300, 500, thậm chí là vài tỷ...

Không biết là khi tính CPI người ta có đưa MẶT HÀNG BIÊN CHẾ vào giỏ hàng hóa để tính CPI không chứ nếu đưa vào thì chắc là lạm phát của nước mình cao lắm.

Với cái mức giá cao thế này thì gần 70% dân số Việt Nam làm sao vào được biên chế nhà nước. Một phép tính đơn giản dưới đây thôi cũng đủ để cho ta thấy được mức độ chua chát của câu "Nông dân thì đừng có mà mong được vào biên chế nhà nước!" và biết ngay được mức độ xa xỉ của MẶT HÀNG BIÊN CHẾ này.

Ở quê tôi giá lúa là 5800 đồng/kg, như vậy 100 triệu = 100/5,8 =17.24 tấn thóc (100 triệu là tính theo con số Min của ông Dực đưa ra, 5,8 là giá trị của 1 tấn thóc), theo số lliệu của xã tôi thì năm 2011 năng suất lúa bình quân của xã là 220-250kg/sào/vụ (1 năm có 2 vụ lúa), như tôi là lao động bình thường được 1,2 sào ruộng (432 m2), lao động chính được 1,8 sào (648m2).

Như vậy,nếu tôi về quê làm ruộng thì mỗi năm tôi có thể làm ra được: 1,2*235*5800*2=3.271.200 đồng (đây là tổng doanh thu chưa trừ đi chi phí).
TRONG ĐÓ:
235 = (220+250)/2.
1,2 là diện tích của 1 người lao động bình thường được chia
2 là số vụ trong năm.

Nếu muốn được biên chế nhà nước tôi hoặc bố mẹ tôi cần phải mất khoảng 30.5 năm không ăn, không uống, không mặc, KHÔNG HỌC ... và cái con số 30.5 đó nó cũng xấp xỉ bằng nửa cái vòng tuần hoàn của một đời người.

Có ông nông dân nào dám bỏ ra nửa đời người để được vào biên chế không? Và giả sử ông có dám thì ông cũng phải làm được những việc không tưởng: không ăn, không mặc, không uống, không học và không cả cho con ĐI HỌC...để được cái "mác" biên chế!

Thôi thì nông dân cứ yên phận làm nông dân thôi! Chẳng có cơ hội nào để cho nông dân được làm biên chế nhà nước đâu, đừng có mơ làm gì, nó xa vời lắm, nó xa xỉ lắm, nó...lắm lắm!

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

CÓ PHẢI CON VỊT SINH RA ĐÃ BIẾT BƠI?

Ảnh: Sưu tầm

Con vịt biết bơi. Ờ, đúng, câu này thì chẳng ai phủ nhận cả, tạo hóa cho con vịt có bộ lông vũ, đôi chân có màng nên dù có trời mưa hay nắng thì nó vẫn cứ bơi. Nhưng có phải con vịt sinh ra đã biết bơi? Câu này thì trả lời hơi khó. 

Tôi có một câu chuyện thế này: Một bác nông dân nuôi được 20 con vịt, do nhà không gần ao nên bác nhốt ở nhà (tức nuôi cạn),chỉ để một chậu nước nhỏ để cho vịt uống nước và rửa lông rửa cánh. Sau một thời gian (khoảng 1 tháng) vịt đã lớn, một buổi chiều bác đem 20 con vịt đó ra ao thả ở đó để thức ăn đầy đủ, có cả chỗ cho vịt đỗ...Sáng hôm sau bác ra cho ăn thì thấy có 3 con vịt bị...chết đuối còn 2 con khác đang bị chìm trong nước chỉ nhô được mỗi cái cổ lên. Bác tự hỏi: Vịt biết bơi tại sao lại chết đuối, bị chìm được? Bộ lông vũ của nó để làm gì? Đôi chân có màng của nó để làm gì?

Chính vì bác nông dân nghĩ đã là vịt thì phải biết bơi nên cứ thả nó xuống nước thì nó sẽ bơi được, không bao giờ có chuyện bị chìm hay chết đuối nên mới xảy ra chuyện như vậy. Thực ra không phải như vậy, đúng là tạo hóa cho vịt rất nhiều lợi thế để nó có thể bơi được nhưng đấy chỉ là những lợi thế thôi chứ không phải sinh ra nó đã biết bơi. Muốn bơi được thì vịt cũng phải có môi trường để rèn luyện, để thử thách, bác nông dân đã nhốt chúng trên cạn tức là nó đã không có cơ hội để rèn luyện nên những lợi thế mà tạo hóa ban cho nó đã không phát huy được tác dụng.

Nói như vậy sẽ có người thắc mắc là tại sao những con còn lại lại không bị chìm hay bị chết đuối? Có phải những con này sinh ra nó đã biết bơi? Tôi nghĩ là những con biết bơi kia không phải là sinh ra nó đã biết bơi mà do nó tập luyện mà thôi, hàng ngày chúng đã quen với việc ngụp lặn trong chậu nước tức là chúng đã được rèn luyện trong môi trường nhỏ rồi nên khi ra môi trường rộng hơn chúng dễ dàng thích nghi và vượt qua được. Và điều quan trọng là nó đã biết tận dụng những lợi thế mà tạo hóa ban cho nó để nó có thể sinh tồn. Biết đâu những ngày bình thường khi chúng chăm chỉ ngụp lặn trong chậu nước thì một số con lại ăn với ngủ, thậm chí có con còn cười cợt chúng, cho rằng chúng làm như vậy là thừa...?

Kinh nghiệm cho những con khác cũng vậy thôi, không phải cứ được tạo hóa ban cho cái này, cái kia là có thể sử dụng ngay được, quan trọng là biết tận dụng những lợi thế mà tạo hóa ban cho và phải có môi trường để rèn luyện mới có thể phát huy được những lợi thế có sẵn. Nếu cứ ỷ lại vào những cái tiềm năng sẵn có thì số phận cũng chẳng khác mấy con vịt kia là bao.